LỜI TOÀ SOẠN
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với hơn 11,4 triệu người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng tăng, năm 2023 là 73,7 tuổi, tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống.
Tuy nhiên, người cao tuổi nước ta lại có chất lượng sống chưa cao. Vì thế, quan tâm đến cuộc sống của người cao tuổi không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn cả yếu tố tinh thần, tâm lý là rất quan trọng.
VietNamNet đăng tải tuyến bài "Tôi trăm tuổi", giới thiệu về cuộc sống vui, khỏe, có ích và truyền cảm hứng của những người cao niên sinh từ năm 1924 trở về trước.
Bài 1: Cụ bà sống hơn 100 tuổi ở Hà Nội, tứ đại đồng đường hòa thuận cùng 3 nàng dâu
Bài 2: Cụ ông 104 tuổi làm việc 10 giờ mỗi ngày vẫn vui như 'lượm được vàng'
Bài 3: Cụ bà 104 tuổi vẫn đọc thơ vanh vách, sinh con lúc 51 tuổi
Bài 4: Ngôi làng trường thọ ven sông, cụ ông gần trăm tuổi đạp xe, nhai trầu
|
100 tuổi vẫn ở riêng, không phiền con cháu
Vợ chồng cụ Ma Văn Thọ (112 tuổi) và Vũ Thị Tý (102 tuổi) trú tại xã Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ, là cặp vợ chồng hiếm ở Việt Nam đều có tuổi thọ trên 100. Dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng hai cụ vẫn minh mẫn nhớ rõ con cháu và tự sinh hoạt, ăn uống.
Cụ Thọ sinh ra ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cụ bà quê ở Hoài Đức (Hà Nội) hai người di cư lên Phú Thọ làm thuê cho chủ nhà. Sau đó, hai cụ gặp và nên duyên vợ chồng. Họ có với nhau 6 người con trai, 3 con gái. Đến nay, đại gia đình cụ Thọ có 25 cháu, 45 chắt, 3 chút.
Ông Mai Văn Chì (SN 1952, con trai thứ 3 của cụ Thọ) chia sẻ ông tự hào về cha mẹ mình vì sức khỏe tốt. Cả đời ông bà sống đến 100 tuổi nhưng con cháu chưa từng phải giặt quần áo, tắm rửa cho hai người.
|
|
Ông Chì chăm sóc cha mẹ mình khi đã ở tuổi xưa nay hiếm. Ảnh: Lê Phương. |
Dù trên 100 tuổi nhưng cụ Thọ và vợ ở riêng, tự chăm sóc nhau. Mười năm trước, mắt cụ Tý mờ dần nên mọi việc trong nhà đều do một tay cụ Thọ đi lại, chăm sóc. Dù con cháu động viên thế nào, hai cụ vẫn một mực muốn sống riêng. Đến nay, hằng ngày, các con thường thay phiên nhau tới nhà nấu cơm cho hai người. Đến cuối năm 2023, con cháu động viên nhiều và sức khỏe yếu hơn, hai cụ mới dọn về ở cùng gia đình ông Chì.
|
|
Hai cụ cùng các con cháu lưu lại trong nhà cũ của gia đình. Ảnh: Lê Phương. |
Ông Chì cho biết hằng ngày gia đình đều có 2 người ở nhà. Người nấu nướng, người trò chuyện để hai cụ có thêm niềm vui. Hiện tại, dù sức khỏe không tốt như 1-2 năm trước nhưng cụ Thọ và cụ Tý đều vẫn minh mẫn. Con cháu trong nhà cụ đều nhớ tên, nhớ mặt. Xuống hàng chắt, chút các cụ không nhớ rõ tên nhưng nhìn mặt nhận ra được con cháu nhà ai.
Mỗi lần gia đình con cháu quây quần, hai cụ đều rất vui mừng. Cụ Thọ liên tục nhắc các con, cháu luôn đoàn kết, nhớ về gia đình. Vì vậy, cứ mùng 5 Tết, đại gia đình lại quây quần mừng tuổi hai cụ, nhớ về tổ tiên.
Bí quyết khỏe mạnh chỉ hai từ “sạch sẽ”
Ông Chì cho biết hai cụ sống khỏe, đôi khi đến con cháu con thua. Nhiều người còn đau xương, nhức chân tay nhưng hai cụ đều ít ốm vặt. Bí quyết đó là cả hai người sống rất khoa học, sạch sẽ.
Nhà cửa sạch sẽ: Từ ngày gia đình khó khăn ở nhà tranh, cụ Thọ đã nổi tiếng khắp vùng là sạch sẽ. Đồ đạc ngăn nắp, lau dọn, không có cọng rác. Nền nhà khô ráo, đồ thừa đều được dọn dẹp gọn gàng.
Con cháu chăm sóc cụ Tý trong những ngày mưa rét. Ảnh: Lê Phương.
Ăn uống sạch sẽ: Từ ngày cơm không đủ ăn, rau hiếm, ông bà vẫn có thói quen nấu nướng sạch sẽ. Ông bà luôn tuân thủ ăn chín, uống sôi. Gian bếp luôn ngăn nắp, nồi niêu xoong chảo luôn được đánh rửa phơi khô và treo lên cao.
Ông Chì kể: “Từ ngày chúng tôi còn trẻ, bố đã dặn ăn uống phải đúng giờ. Khi phải lao động ông bà ăn nhiều lấy sức làm việc nuôi con. Về già, bố mẹ tôi cũng tự nấu ăn, rau và trái cây đều tự trồng, đảm bảo sạch sẽ". Bữa ăn của hai cụ được thay đổi thường xuyên, đảm bảo đủ dinh dưỡng.
|
|
Giấy chứng nhận tuổi thọ của hai vợ chồng cụ Thọ. Ảnh: Lê Phương. |
Giữ vệ sinh sạch sẽ: Dù trời nắng, lạnh, hai cụ đều có thói quen tắm hằng ngày. Họ cho rằng không ăn nhớ cơm, không tắm nhớ nước. Khi còn trẻ, vợ chồng cụ Thọ lao động nặng nhọc. Về già, hai cụ vẫn giữ thói quen lao động. Họ cho rằng làm việc là cách rèn luyện thân thể. Khi tuổi đã cao, họ làm việc nhẹ nhàng, trồng trọt quanh nhà.
Mỗi ngày, ông Chì và vợ đều dành thời gian chăm sóc ba mẹ. Ở tuổi gần 80, ông không dấu được hạnh phúc khi còn đủ cha mẹ già để chăm sóc, báo hiếu. Những kinh nghiệm sống khỏe mạnh của hai cụ cũng được gia đình thường xuyên giáo dục con cháu.
Theo vietnamnet