leftcenterrightdel
 Bên trong khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap, Bộ Y tế Hàn Quốc đã yêu cầu các bệnh viện đưa ra các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng cho bệnh nhân do hệ lụy từ cuộc "đình công" của đội ngũ giáo sư y khoa, cùng các bác sỹ thực tập trong cuộc khủng hoảng ngành y đang diễn ra tại Hàn Quốc.

Hiệp hội Bệnh viện Hàn Quốc cho biết chính phủ đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện triển khai các biện pháp phù hợp cho bệnh nhân đang điều trị khi các giáo sư y khoa xin nghỉ việc hoặc nghỉ phép.

Các giáo sư y khoa tại các bệnh viện trọng điểm của đất nước đã nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt vào cuối tháng 3, mặc dù Bộ Y tế khẳng định mới chỉ có một số ít đơn được chấp nhận.

Bắt đầu từ tuần trước, một số giáo sư cũng bắt đầu nghỉ chữa bệnh 1 ngày trong tuần, tạm dừng các ca phẫu thuật và điều trị ngoại trú.

Cuộc khủng hoảng ngành y tại Hàn Quốc bắt đầu từ cuối tháng 2 khi có khoảng 12.000 bác sỹ thực tập đã nghỉ việc để phản đối kế hoạch tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y hằng năm. Điều này gây ra tình trạng chậm trễ trong điều trị y tế, một số phòng cấp cứu phải hạn chế điều trị cho bệnh nhân nguy kịch.

Do tình trạng gián đoạn dịch vụ y tế kéo dài, một số bệnh viện bắt đầu gặp khó khăn về tài chính.

Trung tâm Y tế Đại học Kyung Hee ở Seoul đã ra thông báo về khả năng tạm dừng trả lương.

Trong thông báo gửi tới nhân viên, ông Oh Joo-hyeong, Chủ tịch Trung tâm Y tế Đại học Kyung Hee cho biết bệnh viện đang phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng và thậm chí có thể phải tạm dừng trả lương và xem xét cho nghỉ hưu tự nguyện vào tháng 6.

Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul và Bệnh viện Severance cũng đang chấp nhận đơn xin nghỉ phép không lương.

Trong khi đó, Bệnh viện Seoul Asan đã bắt đầu nhận đơn xin nghỉ hưu tự nguyện, trở thành bệnh viện đầu tiên trong nhóm 5 bệnh viện lớn ở Seoul được gọi là "Big Five" thực hiện điều này./.

Theo vietnamplus