Gia đình nhỏ với 1 hoặc 2 con đang vô tình tạo áp lực thành công lên trẻ ở châu Á - Ảnh: REUTERS
Mỗi năm, nhà tâm lý học Carol Balhetchet (Singapore) đều gặp rất nhiều bệnh nhân thiếu niên hoặc đầu tuổi 20. Nhiều trường hợp trải qua chứng trầm cảm, chán ăn và các triệu chứng liên quan. Một số thậm chí từng tự tử trước khi đến gặp bà.
Với 20 năm kinh nghiệm, bà hiểu rằng đa số những bệnh nhân đều chịu áp lực cao, và thời nay áp lực cho giới trẻ cao hơn nhiều so với trước đây. Bà Balhetchet nói: "Đó là áp lực về học tập, thành tích, sự nghiệp tương lai và ngay cả áp lực từ việc chọn trường đại học".
Theo chuyên gia này, sự phát triển nhanh của công nghệ và tiến bộ trong kinh tế tài chính càng khiến áp lực lên con người cao hơn. Áp lực này đổ dồn lên các bậc phụ huynh và gia đình đồng thời đổ dồn lên những đứa trẻ. Chúng được kỳ vọng sẽ thành công trong tương lai.
Nikkei dẫn số liệu của Singapore công bố hồi tháng 7 cho thấy áp lực thật sự đang ngày càng tăng tại đây. Samaritans, cơ quan có chức năng ngăn chặn tự sát của Singapore, thống kê có 397 người đã tự tử trong năm 2018. Nam giới từ 10 đến 19 tuổi đặc biệt có nguy cơ cao, với 19 trường hợp được ghi nhận. Đây là con số cao nhất kể từ năm 1991. Cơ quan này lưu ý rằng tỉ lệ tử vong ở thanh niên và nam giới là một mối lo lớn của xã hội.
Tự tử đang thật sự trở thành vấn đề ở một số nước châu Á như Singapore và Nhật Bản - Ảnh: REUTERS
Tự tử ở giới trẻ không chỉ là vấn đề của riêng Singapore. Ở những quốc gia khác như Nhật Bản, số trường hợp tự tìm tới cái chết cũng lên tới mức báo động.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tự tử là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 ở độ tuổi 15-29 trên toàn cầu vào năm 2016. Trong năm đó, khoảng 60.000 trẻ em và thiếu niên từ 10-19 tuổi đã chết vì tự tử. Con số tổng của tất cả các nhóm tuổi là 80.000.
Nikkei cho biết Nhật Bản là quốc gia đang đối mặt với tỉ lệ tự tử ở giới trẻ ngày càng tăng, dù số vụ tự sát tại đây nhìn chung đã giảm xuống.
Tokyo công bố, trong năm 2018, 599 người Nhật ở tuổi 19 hoặc trẻ hơn đã tự kết liễu cuộc đời mình, tăng 32 trường hợp (tức 6%) so với một năm trước đó. Điều này đồng nghĩa rằng cứ 100.000 người thuộc nhóm tuổi 10-19 lại có 5,3 trường hợp tự tử. Đây là tỉ lệ cao nhất tại đây trong 40 năm qua.
"Với số thành viên trong gia đình ngày càng ít, sự kỳ vọng của cha mẹ dành cho trẻ cũng tăng theo. Nếu bạn chỉ có 1 hoặc 2 đứa trẻ trong nhà thì chúng buộc phải thành công", bà Balhetchet nhận định.
Cùng lúc đó, giới chuyên gia cho rằng Internet và mạng xã hội đóng vai trò trọng tâm trong một số trường hợp tự tử gần đây.
Các nhà làm luật tại châu Á đã bắt đầu nhận ra vấn đề, và bắt tay vào thay đổi hệ thống giáo dục với hi vọng cho trẻ nhiều hỗ trợ hơn.
Theo tuoitre