|
|
Nghiên cứu mới cho thấy hậu Covid-19 có thể dẫn đến thừa cân, cholesterol tăng cao. Ảnh: Shutterstock. |
Theo Express, nghiên cứu được thực hiện trên 29 nữ và 464 nam, độ tuổi trung bình là 21 (từ 18 đến 30 tuổi). Trong khoảng thời gian phục vụ trong lực lượng vũ trang Thuỵ Sĩ (từ 1/3/2020 đến 31/12/2020), họ xét nghiệm RT-PCR cho kết quả dương tính hoặc âm tính với SARS-CoV-2. Những người này chưa từng tiêm vaccine hay nhập viện điều trị. Cuộc khảo sát kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11/2021.
Các nhà khoa học chia những thanh niên thành 4 nhóm, gồm nhóm đối chứng (âm tính SARS-CoV-2), nhóm mắc Covid-19 không triệu chứng (xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng), nhóm mắc Covid-19 cách xa thời điểm nghiên cứu (nhận kết quả dương tính cách thời gian tham gia khảo sát hơn 180 ngày) và nhóm mới mắc Covid-19 (dương tính trong vòng 180 ngày trước khi tham gia).
Bị rối loạn chuyển hóa
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một loạt các bài kiểm tra đánh giá hệ thống tim mạch, phổi, thần kinh, nhãn khoa, khả năng sinh sản của nam giới, tâm lý và tổng quát.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Lancet. Theo đó, nhóm mắc Covid-19 cách xa thời điểm khảo sát có xu hướng rõ rệt trong việc mắc chứng rối loạn chuyển hóa, biến chứng tim mạch so với nhóm đối chứng.
Patricia Schlagenhauf, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết 177 người thuộc nhóm mắc Covid-19 từ lâu. Họ thường mệt mỏi hơn so với người trong các nhóm khác.
“Nhóm này có chỉ số BMI tăng, cholesterol cao và sức chịu đựng thể chất thấp hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ cao mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa và biến chứng tim mạch có thể xảy ra”, ông nói.
Trong khi đó, các nhà khoa học cho hay không có khác biệt rõ rệt về điểm khảo sát tâm lý xã hội, nhãn khoa, chất lượng tinh trùng, khả năng vận động giữa nhóm mắc Covid-19 cách thời điểm khảo sát trên 180 ngày và nhóm đối chứng.
Bên cạnh đó, cũng như nhiều nghiên cứu về hậu Covid-19, các nhà khoa học từ ĐH Zurich tập trung khảo sát tình trạng căng thẳng, lo lắng ở nhóm thanh niên. Kết quả cho thấy người trong nhóm mắc Covid-19 gần đây (dưới 180 ngày tính đến thời điểm tham gia khảo sát) có gánh nặng tâm lý cao hơn so với người trong nhóm mắc Covid-19 cách đó nửa năm.
|
|
Hậu Covid-19 có thể kéo dài, tác động tiêu cực đến sức khỏe người bệnh. Ảnh:Indiatimes. |
Di chứng có thể kéo dài 10 tháng sau khi khỏi bệnh
Chỉ số BMI tăng, rối loạn lipid máu, giảm sức bền thể chất cho thấy những thanh niên khỏe mạnh trước đây có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn chuyển hóa. Nguy cơ biến chứng tim mạch cũng có thể tăng lên.
Tuy nhiên, nghiên cứu đồng thời cho thấy bệnh nhân trẻ, trước đó khỏe mạnh, thường có triệu chứng nhẹ, không phải nhập viện, hồi phục nhanh. Tác động của SARS-CoV-2 lên cơ thể họ không nghiêm trọng như những gì xảy ra với bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh tật hoặc từng phải nhập viện trước khi nhiễm corona.
Song nghiên cứu nhấn mạnh thậm chí việc nhiễm virus với triệu chứng nhẹ cũng có thể dẫn tới các triệu chứng kéo dài đến 180 ngày. Di chứng thường thấy là mệt mỏi, hạ huyết áp, tâm lý bị ảnh hưởng, suy giảm khả năng sinh sản của nam giới trong ngắn hạn.
Nhấn mạnh vào phát hiện từ cuộc khảo sát, các nhà nghiên cứu cho biết việc theo dõi bệnh nhân từng mắc Covid-19 trong thời gian dài cung cấp bằng chứng về chỉ số BMI cao, rối loạn lipid máu, giảm sức bền thậm chí lên đến 10 tháng sau khi khỏi bệnh.
“Những kết quả này có tác động đến xã hội và sức khỏe cộng đồng, đồng thời có thể được sử dụng để hướng dẫn các chiến lược đánh giá liên ngành về di chứng Covid-19, quản lý, điều trị và hỗ trợ ở thanh niên sau Covid-19, Schlagenhauf nói.
Tại sao hậu Covid-19 là mối đe doạ?
Nguyên nhân nằm ở việc phải mất thời gian khá dài, giới chuyên môn mới nhận ra các di chứng ảnh hưởng lâu dài đến người bệnh. Tháng 12/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận tình trạng này và dùng hậu Covid-19 làm tên gọi chung cho nhóm triệu chứng lâu dài mà nhiều người gặp phải sau khi nhiễm SARS-CoV-2.
“Trong khi hầu hết người mắc Covid-19 hồi phục hoàn toàn, một số người xuất hiện một loạt di chứng trung và dài hạn như mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức (lú lẫn, hay quên hoặc thiếu tập trung, kém minh mẫn). Một số người cũng bị ảnh hưởng tâm lý sau khi khỏi bệnh", WHO cảnh báo.
Ngoài ra, hậu Covid-19 còn biểu hiện ở việc mất ngủ, ho dai dẳng, đau ngực, khó nói, đau cơ, mất khứu giác hoặc vị giác, trầm cảm, lo lắng, sốt. Những người mắc hậu Covid-19 có thể cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Về ảnh hưởng lâu dài của Covid-19, TS Manoj Singh, chuyên gia cao cấp tại Bệnh viện Apollo (Ahmedabad, Ấn Độ), cho biết phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu là tình trạng cholesterol tăng cao do việc tăng cân và sức bền suy giảm. Ngoài ra, ông cùng cộng sự nghiên cứu về tác động của bài tập phục hồi chức năng tim - hô hấp đối với bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 tương tự ở Ahmedabad.
Theo TS Singh, sau bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, việc tập thể dục, tập phục hồi chức năng kịp thời dưới sự tư vấn của chuyên gia cùng chế độ ăn uống tốt sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa chứng rối loạn chuyển hóa như huyết áp cao, tăng cholesterol, tiểu đường, béo phì ở nhóm người trẻ tuổi.
Theo zingnews