leftcenterrightdel
 Tác động của các loại UPF khác nhau lên nguy cơ bệnh tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ cũng rất khác nhau - Minh họa AI: Anh Thư

Thực phẩm "siêu chế biến" (UPF) từ lâu đã bị xem là yếu tố nguy cơ cho nhiều bệnh mạn tính, từ chuyển hóa đến tim mạch, bao gồm các biến cố chết người hàng đầu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Tuy nhiên, UPF gồm rất nhiều loại và theo nhóm nghiên cứu từ Trường Y tế công cộng Havard T.H. Chan (Mỹ), không phải cái nào cũng gây hại như nhau.

Theo Daily Mail, các tác giả nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của gần 210.000 người, được thu thập bởi một cuộc khảo sát lớn tại Anh - quốc gia mà UPF chiếm trung bình 57% khẩu phần của người dân.

Các UPF họ tiêu thụ được chia thành 10 nhóm: Bánh mì và ngũ cốc; nước sốt, đồ phết và gia vị; đồ ăn nhẹ ngọt đóng gói; đồ ăn nhẹ mặn đóng gói; đồ uống có đường; đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo (đường ăn kiêng); thịt đỏ, gia cầm và cá chế biến sẵn; thực phẩm ăn liền; sữa chua/món tráng miệng làm từ sữa; rượu mạnh.

Kết quả đã chỉ ra 3 nhóm UPF tạo nên nguy cơ mắc bệnh tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao nhất: Đồ uống có đường, đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo và thịt chế biến sẵn.

Vì vậy, các tác giả khuyến nghị chúng ta nên tránh xa các loại thịt chế biến sẵn - như thịt xông khói, xúc xích, thịt viên, bất kể chúng làm bằng thịt gì, cũng như tránh xa đồ uống có đường, kể cả đường ăn kiêng.

Ngược lại, nguy cơ từ bánh mì, ngũ cốc ăn sáng, sữa chua, món tráng miệng từ sữa khác và đồ ăn nhẹ - mặn không rõ ràng.

Điều này được cho là nhờ chúng chứa khá nhiều chất dinh dưỡng có lợi như chất xơ, vitamin và khoáng chất khác - những thứ bù đắp phần nào các bất lợi do tình trạng chế biến sẵn mang lại.

Ngoài ra, chúng có thể trở nên có lợi nhiều hơn tùy vào lựa chọn của người dùng, ví dụ hãy chọn bánh mì từ ngũ cốc nguyên cám thay cho bánh mì trắng.

Theo nld