Thế nào là hẹp bao quy đầu ở trẻ?

Trẻ em bao quy đầu hẹp khi nào nên cắt? Tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ được chia theo 3 giai đoạn theo từng lứa tuổi phát triển.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ từ 0-3 tuổi

Ở giai đoạn từ 0-3 tuổi có tới 90-95% trẻ em gặp tình trạng hẹp bao quy đầu. Đây là tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lý, vì vậy bố mẹ không cần quá lo lắng. Theo thời gian, khi dương vật của trẻ cương cứng, sau mỗi lần đi tiểu, hoặc phản xạ về nong tách trưởng thành bao quy đầu, dần dần bao quy đầu sẽ tách ra.

Do tỷ lệ hẹp bao quy đầu ở trẻ trong giai đoạn này lớn vì vậy phụ huynh cần chú ý vấn đề vệ sinh. Sau khi trẻ đi tiểu, đại tiện cần lau rửa, thay bỉm hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên biệt. Điều này nhằm tránh tình trạng viêm nhiễm do đọng nước tiểu, đọng vi khuẩn. 

Khi trẻ có tình trạng bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị nội khoa. Tuyệt đối không nên can thiệp bằng bất kỳ hình thức nào, tránh gây ra những tổn thương không đáng có.

Đây là giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển hình thành bao quy đầu. Nếu để xảy ra tổn thương không đáng có sẽ dẫn đến tình trạng viêm sơ, thậm chí có thể gây ra những tổn thương không thể hồi phục sau này.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ từ 3-8 tuổi

Trong giai đoạn này tỷ lệ trẻ hẹp bao quy đầu rơi vào khoảng 15-20%. Theo thời gian, kích thước dương vật của trẻ sẽ phát triển và có tình trạng cương cứng sinh lý, bao quy đầu lúc này sẽ nong tách dần.

Trong giai đoạn này, khoảng 75-80% trẻ sẽ gặp tình trạng bao quy đầu không lộn, kéo xuống được. Đây là trường hợp cần được các bậc phụ huynh cần lưu tâm. Phụ huynh cần chăm sóc bé hàng ngày bằng cách vệ sinh tại chỗ cho trẻ sau mỗi lần đi vệ sinh. Đặc biệt là trong khi tắm rửa cố gắng tự nong tách dần dần tại nhà cho trẻ. 

Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ tự nong, tự vệ sinh bao quy đầu. Như vậy dần dần bao quy đầu sẽ tự lộn một cách tự nhiên.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ: Dấu hiệu và khi nào cần can thiệp - Ảnh 2.

Sau khi trẻ đi vệ sinh cần được vệ sinh tại chỗ để tránh viêm nhiễm.

Đối với những trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ không thể tự lộn, bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh như sau:

- Với cách điều trị nội khoa tại bệnh viện, bác sĩ sẽ kê đơn cho phụ huynh những thuốc về kháng sinh, chống viêm để nong bao quy đầu tại chỗ. Khi bôi những loại thuốc này vào sẽ kích thích quá trình phát triển và làm giãn bao quy đầu. Kết hợp với những động tác nong bao quy đầu một cách tự nhiên như nong dưới vòi nước chảy, nong khi trẻ ngồi trong những chậu tắm, vệ sinh,... thì dần dần bao quy đầu sẽ lộn dần ra. Phụ huynh lưu ý tránh hành động thô bạo như nong, lột, tách khiến chảy máu bao quy đầu của trẻ.

- Với phương pháp nong bao quy đầu, đây là thủ thuật đơn giản nhưng cần phải được các bác sĩ chuyên về nam khoa đã qua đào tạo thực hiện. Trẻ em có thụ thể tại vùng da quy đầu rất nhạy cảm, nếu làm không đảm bảo kỹ thuật sẽ dẫn tới tổn thương bao quy đầu, không thể hồi phục.

Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, các bậc phụ huynh có thể tìm tới phương pháp nong bao quy đầu. Phương pháp này giúp bao quy đầu của trẻ có thể kéo xuống hoàn toàn, giúp các bé đi vệ sinh dễ, phát triển bao quy đầu được bình thường.

- Chỉ định cắt bao quy đầu không được khuyến cáo trong giai đoạn này.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ: Dấu hiệu và khi nào cần can thiệp - Ảnh 3.

Không nên cắt bao quy đầu cho trẻ em hẹp bao quy đầu trong giai đoạn 3-8 tuổi.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ trên 8 tuổi

Ở độ tuổi này chỉ còn khoảng 5% trẻ bị hẹp bao quy đầu. Trong giai đoạn này bác sĩ khuyến cáo trẻ hẹp bao quy đầu điều trị bằng 3 phương pháp sau:

- Điều trị nội khoa, sử dụng thuốc kháng sinh bôi tại chỗ để tránh viêm nhiễm tại chỗ, kết hợp hướng dẫn trẻ tự nong bao quy đầu tại nhà.

- Phương pháp nong bao quy đầu. Đây là phương pháp tương đối hiệu quả với hẹp bao quy đầu ở trẻ trên 8 tuổi. Vì trong giai đoạn này trẻ đã nhận được sự quan trọng của việc vệ sinh. Đối với những trường hợp bán hẹp bao quy đầu, hẹp không hoàn toàn thì nong bao quy đầu là phương pháp tương đối hiệu quả.

- Phương pháp cắt bao quy đầu. Khi thực hiện các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ các cơ sở y tế uy tín. Đây là một thủ thuật không phức tạp, tuy nhiên trẻ em không có ý thức vệ sinh, khả năng chịu đau kém nếu không thực hiện cẩn thận thì tỉ lệ nhiễm trùng rất cao. Từ đó có thể gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bao quy đầu, đặc biệt có thể gây ra những tổn thương không thể hồi phục sau này.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ có nguy hiểm không?

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là bệnh lý rất phổ biến, tuy nhiên phụ huynh cần phải nắm được kiến thức về tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ. Từ đó tránh những lo lắng thái quá, hay điều trị quá chỉ định có thể dẫn đến những tổn thương không chỉ về cơ thể mà còn về tinh thần đối với trẻ em.

Tóm lại, tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên về bản chất đây không phải là một bệnh lý nguy hiểm. Nếu nắm vững được bản chất, nguyên nhân và phương pháp có thể dễ dàng xử lý tình trạng này.

Theo suckhoedoisong.vn