1. HIV làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất quan trọng đối với tất cả phụ nữ. Tuy nhiên, việc này còn cần thiết hơn cả đối với phụ nữ nhiễm HIV. Bởi một số tình trạng như herpes sinh dục, viêm vùng chậu... có thể xảy ra thường xuyên hơn, mức độ nghiêm trọng hơn và/hoặc khó điều trị hơn ở người nhiễm HIV. Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho bạn tình.
- Nhiễm nấm âm đạo: Ở phụ nữ nhiễm HIV, tình trạng nhiễm nấm âm đạo có thể xảy ra thường xuyên hơn và khó điều trị hơn. Nhiễm nấm âm đạo tái phát (xảy ra ít nhất bốn lần một năm) có thể xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ nhiễm HIV hoặc giai đoạn AIDS.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn (Nhiễm khuẩn âm đạo): Viêm âm đạo do vi khuẩn hay nhiễm khuẩn âm đạo là tình trạng gây ra bởi sự mất cân bằng giữa các loại vi khuẩn bình thường sống trong âm đạo. Viêm âm đạo do vi khuẩn phổ biến hơn ở phụ nữ nhiễm HIV và có thể khó điều trị hơn.
- Các vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt: Phụ nữ nhiễm HIV có thể bị vô kinh, chảy máu ít hoặc nhiều hơn, hoặc hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn.
2. HIV làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần so với phụ nữ không nhiễm HIV. Nguy cơ cao hơn này được biểu hiện trong suốt cuộc đời, bắt đầu bằng việc tăng nguy cơ nhiễm virus HPV, tiến triển thành ung thư nhanh hơn và tỷ lệ tái phát cao hơn sau điều trị.
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm HPV cao hơn. Quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, chlamydia, đặc biệt là HIV/AIDS… cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
Trong cơ thể con người, hệ thống miễn dịch rất quan trọng trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư và làm chậm sự phát triển, lây lan. Ở phụ nữ nhiễm HIV, tiền ung thư cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư xâm lấn nhanh hơn bình thường. Nếu phụ nữ bị nhiễm virus HPV, họ có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp đôi.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa virus HPV là tiêm vaccine. Vaccine này an toàn và hiệu quả giúp bảo vệ phụ nữ chống lại một số bệnh bao gồm cả ung thư cổ tử cung. Vaccine phòng HPV hoạt động tốt nhất nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với HPV. Vì vậy, WHO khuyến cáo nên tiêm phòng cho các bé gái từ 9-14 tuổi, khi hầu hết chưa bắt đầu hoạt động tình dục. Cần tiêm đầy đủ 3 mũi theo đúng lịch để đảm bảo hiệu lực của vaccine.
Ngoài ra, phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư khi nó có khả năng điều trị và chữa khỏi cao hơn. Những thay đổi tiền ung thư có thể được phát hiện bằng xét nghiệm và được điều trị để ngăn ngừa ung thư phát triển.
3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV và tương tác thuốc
Thuốc điều trị HIV phát huy tác dụng giống nhau ở phụ nữ và nam giới, thế nhưng một số thuốc có thể gây tác dụng phụ ở phụ nữ khác so với ở nam giới. Ví dụ, ritonavir có thể gây tác dụng phụ buồn nôn và nôn nhiều hơn ở phụ nữ.
Thuốc điều trị HIV cũng có thể khiến phụ nữ có nguy cơ tích tụ mỡ hoặc các vấn đề về tuyến tụy cao hơn nam giới.
Ngoài ra, thuốc điều trị HIV có thể tương tác với các loại thuốc khác, gây tác dụng nguy hiểm đối với cơ thể và làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị HIV. Do đó, người nhiễm HIV không được tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không cần kê đơn và thuốc thảo dược.
4. Nhiễm HIV và lão hóa
Sự kết hợp giữa nhiễm HIV và lão hóa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim, đái tháo đường, huyết áp cao, viêm khớp và một số bệnh ung thư. Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HIV có khả năng cao phải đối mặt với các tình trạng sau đây khi về già:
- Mãn kinh sớm: Phụ nữ nhiễm HIV có thể mãn kinh sớm hơn hoặc bị bốc hỏa nghiêm trọng hơn so với phụ nữ không nhiễm HIV. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm hormone estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào CD4.
- Loãng xương: Người nhiễm HIV bị loãng xương nhanh hơn những người không nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ nhiễm HIV. Nhìn chung, phụ nữ có xu hướng loãng xương nhanh hơn nam giới do sự thay đổi nội tiết tố sau mãn kinh. Nhiễm HIV có thể ảnh hưởng đến tình trạng loãng xương của phụ nữ nhiều hơn bình thường. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị HIV cũng làm tăng nguy cơ loãng xương.
5. Nhiễm HIV và tránh thai
Phụ nữ nhiễm HIV có thể sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào, tuy nhiên một số loại thuốc điều trị HIV có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai nội tiết tố, bao gồm thuốc tránh thai dạng viên, miếng dán, vòng hoặc que cấy, do đó làm tăng nguy cơ mang thai.
Để đảm bảo tránh thai hiệu quả, phụ nữ nhiễm HIV nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các biện pháp tránh thai bổ sung. Ngoài ra, luôn sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu và giang mai.
Theo suckhoedoisong.vn