1. Nguyên nhân nào gây ho kéo dài?
Ho kéo dài có thể do các nguyên nhân:
Ho do có bệnh thực sự tại đường hô hấp
- Tại phổi: Suyễn, lao phổi, viêm phổi (nhất là nhóm viêm phổi do vi khuẩn không điển hình), dị vật bỏ quên…
- Ngoài phổi: Có dịch chảy từ đường hô hấp trên xuống (hội chứng chảy mũi sau) gồm viêm mũi dị ứng, viêm hệ thống xoang sau, viêm V.A xuất tiết dịch...
Ho do các bệnh lý khác:
- Có dịch trào từ dưới lên: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Bệnh tim bẩm sinh có ứ huyết phổi.
- Ho do tâm lý
Trong chứng này trẻ chỉ ho khi thức. Không ho khi ngủ.
Đa số các trường hợp ho kéo dài gặp ở trẻ nhỏ (2-3 tuổi). Khoảng 5-10% học sinh cấp 1 (6-11 tuổi) có tình trạng ho kéo dài.
Đây là một vấn đề thật sự đáng lưu ý do mức độ ảnh hưởng của nó với chính bản thân trẻ và cha mẹ. Ho kéo dài còn là nguyên nhân khiến trẻ phải thường xuyên đi khám bệnh; ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ (ngủ không yên, thức giấc về đêm, stress, cảm thấy lo lắng, buồn rầu, học tập giảm sút).
Ho kéo dài ở trẻ do nhiều nguyên nhân.
2. Điều trị ho kéo dài như thế nào?
Ho chỉ là triệu chứng của bệnh, do đó phải tìm ra nguyên nhân gây ho để điều trị chứ không phải là dùng thuốc giảm ho. Nếu cho trẻ dùng thuốc giảm ho trong ho kéo dài tình trạng bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn, vì bệnh nền của trẻ không được giải quyết sẽ ngày càng nặng lên.
Trước khi dùng thuốc điều trị ho, bác sĩ có thể khảo sát từng bước hoặc cho trẻ làm tất cả các khảo sát trong 1 lần để tìm ra nguyên nhân của bệnh, trước khi dùng thuốc điều trị.
Các khảo sát bao gồm:
- Xét nghiệm máu.
- Nội soi tai mũi họng.
- Chụp X-quang phổi.
- Đo chức năng hô hấp.
Trong trường hợp không may mắn, tất cả các khảo sát trên đều không tìm ra nguyên nhân bệnh bác sĩ buộc lòng phải dùng thuốc điều trị thử. Có thể điều trị đồng loạt các chứng bệnh thường gặp gây ho kéo dài hoặc điều trị từng bệnh một. Mỗi kiểu điều trị lại có ưu/nhược điểm khác nhau.
4 bệnh thường gặp gây ho kéo dài ở thường gặp gồm:
- Hen suyễn: Dùng thuốc điều trị cắt cơn và dự phòng cơn suyễn sẽ giúp trẻ hết ho.
- Viêm mũi xoang: Dùng thuốc điều trị viêm mũi xoang, hết dịch mũi chảy ngược vào họng, thông đường thở sẽ giúp trẻ hết ho.
- Trào ngược: Điều trị khỏi tình trạng trào ngược dạ dày thực quản thì tình trạng ho kéo dài ở trẻ sẽ hết.
- Viêm phổi không điển hình: Cần dùng thuốc điều trị viêm phổi, không dùng thuốc ho để điều trị ho. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc ho nếu các cơn ho làm trầm trọng tình trạng sức khỏe của trẻ.
3. Có nên tự cho trẻ dùng thuốc ho?
Ho là phản xạ có lợi để bảo vệ đường thở được thông thoáng, giúp trẻ hít thở dễ dàng. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng và tìm đủ mọi cách để kìm hãm phản xạ có lợi này.
Chỉ nên cho trẻ dùng thuốc ho khi:
- Ho quá nhiều làm trẻ khó chịu hay gây ra hậu quả xấu: Trẻ đau ngực, đau họng, mất ngủ, nôn ói…
- Trẻ không có dấu hiệu cảnh báo các bệnh đã nêu trên.
- Khi trẻ không có các dấu hiệu gợi ý bệnh lý cụ thể nào, Xquang phổi và hô hấp ký bình thường (thường được gọi là ho không đặc hiệu).
Có thể cho trẻ sử dụng một số bài thuốc trị ho dân gian an toàn: Tần dầy lá, quất (tắc), hoa hồng bạch chưng đường phèn, mật ong, gừng, nước trà ấm – loãng…
Nên dùng thuốc ho từ thảo dược cho trẻ.
Lưu ý khi sử dụng thuốc ho:
- Chỉ nên dùng thuốc ho phù hợp với lứa tuổi và phù hợp với tính chất ho của trẻ.
- Nên cho trẻ dùng các loại thuốc ho an toàn có nguồn gốc từ thảo dược.
- Không nên dùng các loại thuốc ho dành cho người lớn chia nhỏ cho trẻ uống do có thể có tác dụng phụ, độc tính. Một số loại thuốc ho mạnh, hiệu quả dùng cho người lớn có chứa dẫn xuất á phiện có thể làm trẻ nhỏ ngộ độc thậm chí tử vong.
- Các loại thuốc ho chứa kháng histamine (chlorpheniramine, dexchlorpheniramine, alimemazine…) chỉ nên dùng khi trẻ ho khan và đúng chỉ định theo lứa tuổi.
- Khi trẻ ho có đờm không nên dùng các loại thuốc ức chế ho (thường chứa kháng histamine hay dextromethorphan) mà nên dùng các thuốc giúp long đờm, giúp ho hiệu quả...
Theo suckhoedoisong.vn