Van tim hai lá là van tim nằm bên buồng tim trái, cho phép máu chảy 1 chiều từ buồng nhĩ trái xuống buồng thất trái. Khi van hai lá bị tổn thương, nó không thể hoạt động đóng mở tốt. Nếu tổn thương nhẹ thì không gây triệu chứng, nhưng tổn thương nặng có thể sẽ gây hại cho tim theo thời gian và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như suy tim.
Bệnh van hai lá có nhiều dạng tổn thương khác nhau. Một số bệnh nhân có thể có nhiều dạng tổn thương phối hợp.
Nguyên nhân gây bệnh hở van tim hai lá
- Bệnh lý tim bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra đã mắc bệnh van hai lá. Nó có thể nhẹ hoặc nặng, đôi khi phải phẫu thuật cấp cứu ngay sau sinh.
- Rối loạn mô liên kết: Hội chứng Marfan, Ehlers – Danlos.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Giãn buồng tim trái: Do bệnh cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ.
- Thoái hóa van ở người lớn tuổi: Khi bệnh nhân lớn tuổi, van bị vôi, thoái hóa do calci tích tụ trên van tim.
- Thấp khớp cấp: Khi mắc bệnh lý này nếu không điều trị có thể gây tổn thương van tim. Quá trình này có thể diễn ra hàng năm, thậm chí hàng chục năm sau nhiễm trùng. Đây là nguyên nhân phổ biến gây hẹp hai lá ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Triệu chứng của bệnh van hai lá
Bệnh van hai lá là bệnh lý phổ biến hơn các bệnh lý van tim khác. Ở Việt Nam hay gặp bệnh lý van hai lá hậu thấp. Còn ở nước phát triển thì hay gặp do nguyên nhân thoái hóa. Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỉ lệ mắc. Ở Mỹ 1/100000 mắc hẹp hai lá, 1/33 người mắc sa van hai lá, 1/20 người có dòng trào ngược ở van tim, trong đó hay gặp nhất là ở van hai lá.
Triệu chứng phụ thuộc vào dạng bệnh van hai lá cũng như mức độ nặng của bệnh. Bạn có thể không có triệu chứng gì, nhưng nếu có thì sẽ hay gặp các triệu chứng như:
- Đau ngực;
- Ho;
- Khó thở;
- Mệt;
- Hồi hộp đánh trống ngực;
- Đau đầu, chóng mặt;
- Hạ huyết áp tư thế;
- Phù chân…
Hở van tim 2 lá có nguy hiểm không?
Bệnh hở van tim 2 lá là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khi không được điều trị kịp thời và đúng cách. Tùy vào mức độ và tốc độ tiến triển của bệnh mà người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng như:
Suy tim: Đây là một trong những biến chứng phổ biến nhất, xảy ra do tim phải làm việc quá sức để bơm máu trong thời gian dài.
Phì đại tâm nhĩ trái: Tâm nhĩ trái có thể giãn nở do phải chứa một lượng máu lớn trào ngược từ tâm thất trái qua.
Ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Máu trào ngược có thể gây áp lực lên hệ thống mạch máu phổi, dẫn đến tăng huyết áp phổi, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Rối loạn nhịp tim: Bệnh hở van tim 2 lá làm tăng áp lực lên tim và khiến cấu trúc tim bị thay đổi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim.
Đột quỵ: Sự hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ trái do chảy máu không đều có thể gây tắc nghẽn mạch máu não và dẫn đến đột quỵ.
Tử vong: Tình trạng suy tim, tăng huyết áp phổi hoặc đột quỵ nghiêm trọng đều có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Để tránh các biến chứng trên, bệnh nhân hở van tim 2 lá cần được theo dõi y tế thường xuyên, điều trị tích cực và tránh các yếu tố nguy cơ.
Lời khuyên thầy thuốc với bệnh nhân hở van tim
Điều trị bệnh hở van tim phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tác động của hở van tim đối với tim. Hở van tim nhẹ nếu không có triệu chứng có thể không cần điều trị, chỉ cần theo dõi hàng năm và tái khám ngay khi xuất hiện triệu chứng. Trong các trường hợp khác thì hở van nặng thì cần phải điều trị để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Điều trị hở van tim bao gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa. Điều trị nội khoa để giảm triệu chứng, điều trị biến chứng suy tim, ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông. Trong trường hợp bệnh nặng, cần phẫu thuật sửa chữa van hoặc thay van tim nhân tạo để khắc phục tình trạng này.
Bệnh nhân hở van tim cũng cần điều trị dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Nếu có bất kỳ loại bệnh tim nào, hãy tái khám thường xuyên để theo dõi. Nếu có tiền sử gia đình (cha mẹ, anh chị em) bị hở van tim, nên khám sức khỏe định kỳ để xem có bị hở van tim hay không. Phát hiện hở van tim sớm sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Nếu bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, cần điều trị dứt điểm để phòng ngừa nguy cơ dẫn đến thấp tim. Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ của hở van tim, hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu bị tăng huyết áp thì cần kiểm soát bệnh tốt và tái khám thường xuyên.
Theo suckhoedoisong.vn