|
Thai phụ ngày nay dễ tiếp xúc với các hóa chất tổng hợp có trong các sản phẩm thương mại, thực phẩm và nước - Ảnh: Getty Images |
Nghiên cứu của Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona cho thấy, trẻ em tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và hóa chất tổng hợp khi còn trong bụng mẹ dễ phát triển chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn trong thời thơ ấu, so với những trẻ ít tiếp xúc với chất độc hại, theo CNN đưa tin ngày 19/10.
Nhà dịch tễ học Parisa Montazeri tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Đây là kiến thức quan trọng vì sự gia tăng chỉ số BMI ở trẻ em liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe trong thời thơ ấu và cuộc sống sau này, bao gồm béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường”.
Nghiên cứu được tài trợ bởi dự án “Trẻ em và Môi trường” (Infancia y Medio Ambiente) và được công bố trên báo chí vào ngày 18/10. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo nồng độ của 23 chất gây ô nhiễm phổ biến trong máu và nước tiểu của 1.911 thai phụ, sau đó tiếp tục theo dõi sự trưởng thành của các em bé vào lúc 6 tháng, 1, 2, 4, 7 và 9 tuổi.
Trong danh sách 23 hóa chất, có thuốc trừ sâu dichlorodiphenyldichloroethylene, còn gọi là DDE, hợp chất biphenyl polychlorin hóa, còn gọi là PCB, thuốc diệt nấm hexachlorobenzen, còn gọi là HCB, chất chống dính perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl, đều thuộc nhóm hóa chất vĩnh cữu (PFAS).
Các chất DDE, PCB và HCB lần lượt bị Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cấm vào các năm 1972, 1979 và 1984. Nhóm chất PFAS đã được chứng minh nguy cơ làm giảm sự phát triển của trẻ sơ sinh và thai nhi, giảm hiệu lực vắc xin ở cả người lớn và trẻ em, trong báo cáo tháng 7/2022.
Bà Parisa Montazeri cho biết, sự phơi nhiễm HCB và DDE ở người đều xảy ra “chủ yếu thông qua quá trình tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn bao gồm cá, thịt và sữa”. Nữ chuyên gia cảnh báo: “Các hóa chất này tồn tại trong môi trường và cơ thể chúng ta trong một thời gian dài, từ nhiều năm đến nhiều thập niên”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các thai phụ bị phơi nhiễm hóa chất chậm phân hủy, như DDE, PCB, HCB và chất gốc PFAS, sẽ sinh em bé với nguy cơ gia tăng chỉ số BMI trong khoảng từ 19% đến 32%.
Bà Montazeri cho biết: “Chúng tôi tìm thấy mối liên hệ này trong cả mô hình hóa học đơn lẻ và hỗn hợp. Những đứa trẻ không biểu hiện nhiều khi chào đời, nhưng sau đó phát triển rất nhanh, duy trì quỹ đạo tăng tốc, để khi kết thúc phép đo của chúng tôi vào năm 9 tuổi, chúng đạt đến chỉ số BMI cao nhất”.
Bà Montazeri cho biết, tất cả các hóa chất trong danh sách được kiểm tra của nghiên cứu đều là “chất gây béo phì”, thúc đẩy sự gia tăng BMI ở trẻ nhỏ bằng cách can thiệp vào quá trình trao đổi chất và hormone. “Tất cả trẻ em trong nghiên cứu đều bị phơi nhiễm hóa chất trước khi chào đời”, nữ chuyên gia cho biết thêm.
Bác sĩ Leonardo Trasande, Giám đốc khoa bệnh nhi môi trường tại trung tâm y tế học NYU Langone Health ở thành phố New York, Mỹ, cho biết: “Nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng cho thấy việc phơi nhiễm hóa chất sẽ khiến cân nặng trẻ em tăng lên nhiều lần, đồng thời khiến bệnh nhân dễ bị tổn thương hơn”.
Theo phụ nữ TPHCM