Hóa ra đây là lý do trẻ em chống lại Covid-19 tốt hơn so với người lớn
Cập nhật lúc 22:33, Thứ tư, 12/01/2022 (GMT+7)
Nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng trẻ em có thể chống lại Covid-19 tốt hơn người lớn do phản ứng miễn dịch bẩm sinh, theo trang tin Sky News (Anh).
|
|
Hóa ra đây là lý do trẻ em nhiễm Covid-19 nhẹ hơn nhiều so với người lớn? - SHUTTERSTOCK |
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một phản ứng mạnh hơn trong đường thở của trẻ em, điều này có thể giúp ngăn chặn sự nhân lên của virus ngay từ sớm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học College London (Anh), cho biết nghiên cứu của họ cho thấy hệ thống miễn dịch của trẻ em chống lại Covid-19 tốt hơn người lớn.
Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng trẻ em có hệ thống miễn dịch bẩm sinh tốt hơn - có thể tự động nhận ra các virus hoặc vi khuẩn nguy hiểm - sau đó kích hoạt các tế bào có thể thích ứng với mối đe dọa, theo trang tin Sky News (Anh).
Trong khi đó, người lớn có hệ thống miễn dịch thích nghi hơn, chứa các tế bào dạng bộ nhớ - đã được huấn luyện qua quá trình tiếp xúc trước đây để phản ứng với một mối đe dọa nào đó.
|
|
Trẻ em có hệ thống miễn dịch bẩm sinh tốt hơn - SHUTTERSTOCK |
Các nhà nghiên cứu đã làm việc với các bệnh viện để thu thập và xử lý các mẫu ở đường thở và mẫu máu của 19 bệnh nhi Covid-19 và 18 người lớn mắc Covid-19 từ không triệu chứng đến nghiêm trọng, cùng với các mẫu của 41 trẻ em và người lớn khỏe mạnh để làm đối chứng.
Tiến sĩ Masahiro Yoshida, tác giả đầu tiên của nghiên cứu từ Đại học College London, cho biết vì Sars-CoV-2 là một loại virus mới, nó không phải là thứ mà hệ thống miễn dịch thích nghi của người lớn đã học để phản ứng lại.
Trong khi đó, hệ miễn dịch bẩm sinh của trẻ linh hoạt hơn và có khả năng phản ứng tốt hơn với các mối đe dọa mới, theo trang tin Sky News (Anh).
Ở cấp độ phân tử, hàm lượng interferon cao và phản ứng miễn dịch rất nhanh ở trẻ em giúp giải thích tại sao chúng ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 hơn người lớn.
Interferon là các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư.
Nghiên cứu tiếp tục giải thích cách hệ thống miễn dịch của người lớn, vốn có rất nhiều tế bào miễn dịch sát thủ như tế bào B và T, cũng có hoạt động kháng thể khi virus đã lây lan sang các bộ phận khác của bệnh nhân.
Tiến sĩ Marko Nikolic, tác giả cao cấp của nghiên cứu từ Đại học College London, cho biết một khi virus đã lây lan, hệ thống miễn dịch cố gắng nhưng không kiểm soát được sự lây nhiễm, nên xảy ra tổn thương ở các bộ phận của cơ thể.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng trẻ em không chỉ phản ứng tốt hơn ngay từ đầu, mà nếu virus xâm nhập vào máu, phản ứng gây độc tế bào của virus cũng sẽ yếu hơn", tiến sĩ Marko Nikolic cho biết.
Theo thanhnien