leftcenterrightdel
Một số ít người có thói quen bỏ túi không trả tiền các món đồ không cần thiết. Ảnh minh họa: USI 

Theo Insider, nhà tội phạm học và cựu thám tử cửa hàng bán lẻ John C. Brady (người Mỹ) đã dành nhiều thời gian để theo dõi hiện tượng một số người ăn cắp vặt dù không có nhu cầu sử dụng món đồ đó. 

Ông Brady không thể nào quên trường hợp một người phụ nữ sống trong biệt thự trị giá 10 triệu USD ở thung lũng Silicon (Mỹ) đã bị bắt vì ăn cắp một tuýp kem đánh răng trong siêu thị vào lúc 4h sáng. Một người khác lái xe Mercedes, sống trong ngôi nhà xa hoa đã lấy trộm hộp thịt bò muối. 

Hội chứng không nghèo nhưng vẫn thích ăn cắp

Hội chứng Kleptomania là vấn đề sức khỏe tâm thần khi một người cảm thấy sự thôi thúc mạnh mẽ, không thể cưỡng lại phải lấy trộm đồ dù không cần dùng. Những người mắc chứng rối loạn này biết rằng ăn cắp là sai trái và có thể khiến họ gặp rắc rối nhưng họ không thể ngăn bản thân lại được. 

Người bệnh không có khả năng chống lại hành vi ăn cắp. Họ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, căng thẳng. Nhiều người cố gắng chuộc lỗi bằng cách trả lại, quyên góp các món đồ cho tổ chức từ thiện hoặc quay lại và trả tiền sau khi sự việc xảy ra.

Các chuyên gia ước tính rằng hội chứng ảnh hưởng tới 0,3-0,6% dân số Mỹ. Những người mắc chứng ăn cắp vặt Kleptomania chiếm từ 4 đến 5% số người bị bắt vì ăn cắp trong cửa hàng.

Triệu chứng của Kleptomania

- Người mắc bệnh không ăn cắp đồ vì cần thiết hoặc đồ có giá trị. 

- Họ cảm thấy căng thẳng trước khi ăn cắp, sau đó là cảm giác thích thú, nhẹ nhõm.

- Khi những cảm xúc tích cực phai nhạt, hầu hết người mắc chứng Kleptomania đều cảm thấy tội lỗi, xấu hổ hoặc hối hận.

- Một số người vứt bỏ những đồ ăn cắp được, cho người khác hoặc quyên góp cho tổ chức từ thiện. Ít phổ biến hơn, họ sẽ tích trữ những món đồ bị đánh cắp, bí mật trả lại hoặc trả tiền. 

- Việc ăn cắp không được lên kế hoạch trước và người mắc chứng Kleptomania thực hiện hành vi đó một mình. Hầu hết những người đã kết hôn mắc chứng ăn cắp vặt đều giữ bí mật với vợ/chồng của mình. 

Nguyên nhân gây ra hội chứng Kleptomania

Theo Cleveland Clinic, các chuyên gia chưa khẳng định chắc chắn tại sao lại có hiện tượng Kleptomania. Tuy nhiên, họ đưa ra một số khả năng: 

Sự khác biệt trong cấu trúc não bộ: Những người mắc chứng Kleptomania nhiều khả năng có những khác biệt nhất định trong cấu trúc não, đặc biệt là ở những khu vực kiểm soát và ức chế xung lực. 

Triệu chứng của các tình trạng sức khỏe tâm thần khác: Một số chuyên gia phân loại Kleptomania là một triệu chứng không phải là một tình trạng. Những người mắc chứng Kleptomania thường gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác, đặc biệt là lo lắng, trầm cảm, rối loạn ăn uống, nghiện ngập và rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Họ cũng có nguy cơ tự làm hại bản thân và tự tử cao hơn.

Di truyền: Mặc dù những người mắc chứng Kleptomania thường có tiền sử gia đình mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác - đặc biệt là rối loạn lo âu, sử dụng chất gây nghiện - nhưng không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy bệnh này có tính chất di truyền.

Cách điều trị 

Hiện chưa có phương pháp đặc trị Kleptomania và có rất ít nghiên cứu về phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất. Một phần do những người mắc chứng này hiếm khi tự tìm kiếm cách chữa trị khiến việc nghiên cứu cách điều trị trở nên khó khăn hơn.

Có hai cách chữa khả thi nhất: 

Thuốc: Thuốc đối kháng opioid ngăn chặn những cảm xúc tích cực mà một người cảm thấy khi ăn cắp, điều này có thể giúp họ chống lại ham muốn đó. Các loại thuốc khác có thể bao gồm thuốc chống trầm cảm, chống động kinh. 

Tâm lý trị liệu: Liệu pháp sức khỏe tâm thần giúp một người hiểu tại sao họ làm một số việc nhất định và sau đó giúp họ phát triển các cách để thay đổi hoặc tránh những hành vi đó. 

Theo vietnamnet