Tiến sĩ Andrew Bang DC, bác sĩ trị liệu về thần kinh cột sống của Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ), cho biết: Trong hội chứng "mông chết", tình trạng căng cơ và yếu cơ kết hợp với nhau tạo nên sự mất cân bằng. Ngồi liên tục làm suy yếu cơ mông nhỡ, một trong ba cơ chính ở mông. Nó cũng thắt chặt các cơ gấp hông.

Hội chứng 'mông chết' là gì mà người ngồi nhiều cần phải biết?- Ảnh 1.

Nếu bạn ngồi làm việc cả ngày, bạn có thể cảm thấy khó chịu và đau nhức ở mông

Shutterstock

Công việc của cơ mông nhỡ là ổn định hông và xương chậu. Khi nó yếu đi và không thể hoạt động tốt, có thể gây đau hông và đau lưng dưới khi ngồi và đôi khi lúc di chuyển.

Bác sĩ Bang cho biết: Yếu cơ cũng có thể chèn ép, kéo hoặc "cấu véo" các dây thần kinh, dẫn đến tình trạng tê do hội chứng "mông chết".

Cách nhận biết hội chứng "mông chết"

Chứng viêm gân cơ mông thường biểu hiện dưới dạng đau bên hông dai dẳng, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học thể thao Orthopaedic Journal of Sports Medicine, trong một số trường hợp, nó có thể gây đau hông dữ dội.

Tiến sĩ Siddharth Tambar, bác sĩ chuyên về thấp khớp có trụ sở tại Chicago, cho biết những người bị viêm gân cơ mông "thường bị đau ở hông hoặc mệt mỏi hơn", điều này có thể khiến họ nghĩ rằng bị chèn ép dây thần kinh.

Tiến sĩ Evan Johnson, giám đốc vật lý trị liệu, Bệnh viện Och tại NewYork-Presbyterian (Mỹ), cho biết thêm: Đau bên hông đôi khi cũng có thể khó phân biệt với dây thần kinh bị chèn ép ở cột sống dưới, nhưng đánh giá lâm sàng kỹ lưỡng và chụp MRI có thể giúp làm rõ nguyên nhân gây đau.

Theo một đánh giá được công bố trên tạp chí Sports Medicine, bệnh viêm gân cơ mông có thể khó ngủ nằm nghiêng và khó thực hiện các hoạt động chịu sức nặng thông thường.

Theo một bài bình luận lâm sàng được công bố trên tạp chí y khoa International Journal of Sports Physical Therapy, cơn đau hông đặc trưng của tình trạng này thường âm ỉ và đau nhức.

Theo tạp chí nghiên cứu Orthopaedic Journal of Sports Medicine, hội chứng "mông chết" cũng có thể gây đau khi đi bộ và leo cầu thang.

Hội chứng 'mông chết' là gì mà người ngồi nhiều cần phải biết?- Ảnh 2.

Hội chứng mông chết là bệnh của những nhân viên văn phòng ngồi nhiều

Shutterstock

Những ai có nguy cơ cao mắc hội chứng "mông chết"?

Tiến sĩ Mikhael Medhat F. Mikhael, Giám đốc Trung tâm Y tế MemorialCare Orange Coast ở Los Angeles (Mỹ), cho biết hội chứng "mông chết" là bệnh của những nhân viên văn phòng ngồi nhiều. Ngồi lâu ở bàn làm việc hoặc trong ô tô là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này.

Tiến sĩ Bang nói: Sự suy yếu diễn ra dần dần, theo thời gian. Hầu hết bệnh nhân không biết tại sao mình bị đau.

Theo tạp chí Sports Medicine, hội chứng mông chết hầu hết xảy ra ở độ tuổi trung niên - trung bình là 53,7, và ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới, nhất là người thừa cân.

Người ngồi nhiều nên làm gì để ngăn ngừa hội chứng "mông chết"?

Tiến sĩ Johnson giải thích các bài tập giúp tối ưu hóa sự cân bằng cơ bắp, sức mạnh cốt lõi … có thể ngăn ngừa và đảo ngược bệnh.

Tiến sĩ Tambar khuyên nên di chuyển xung quanh nhiều hơn. Sử dụng bàn đứng thay vì bàn ngồi. Hãy đứng lên và tập thể dục hằng ngày.

Tiến sĩ Johnson khuyên nên thực hiện các bài tập như gập người, nâng chân nằm nghiêng, squats... để tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ mông.

Ông Johnson nói thêm: Duy trì hoạt động là liều thuốc tốt nhất để giải quyết tình trạng đau đớn. Đứng dậy khỏi bàn làm việc thường xuyên rất tốt cho lưng và hông. Hãy cân nhắc đặt hẹn giờ để đứng dậy khỏi ghế và di chuyển hoặc giãn cơ sau mỗi 20 phút, theo trang tin y tế Everyday Health.

Theo Thanh niên