Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TP.HCM) đỡ đẻ cho sản phụ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo kết quả thống kê sơ bộ từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số TP.HCM gần 9 triệu người, mật độ dân số 4.363 người/km2, cao nhất so với các tỉnh, TP trong cả nước. Và điều này đang là thách thức khi quy mô, mật độ dân số tiếp tục tăng và mức sinh có thể tiếp tục giảm sâu.

Tại sao các gia đình ngại sinh con?

Cưới nhau từ năm 2016 đến nay, gia đình chị N.T.H. (32 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) vẫn duy trì mức sinh là 1 con. Dù gia đình rất mong muốn có thể sinh 2 hoặc 3 con nhưng giấc mơ này xem ra khó thực hiện ở TP.HCM, vốn đòi hỏi nhu cầu cuộc sống cao. Theo chị H., để sinh thêm được một người con đòi hỏi người làm cha mẹ ở TP.HCM phải đối mặt với rất nhiều rào cản về thời gian chăm sóc, giáo dục con, cuộc sống áp lực bận rộn và cuối cùng là chi phí.

"Có rất nhiều cặp vợ chồng sống ở TP.HCM là dân tỉnh lẻ. Họ không có ông bà nội, ngoại chia sẻ việc chăm sóc con cái, họ không thể thuê người chăm sóc bởi chi phí đắt đỏ. Nếu cả hai vợ chồng đều đi làm thì chắc chắn không còn thời gian nào để chăm sóc con, chưa kể việc giáo dục con không được như ý muốn nên không sinh thêm con" - chị H. chia sẻ.

Ngoài ra, chị H. cho rằng việc "sợ đẻ" còn xuất phát từ nhận thức và quan niệm sống của người phụ nữ đã có phần đổi khác so với các thế hệ trước. Họ biết quan tâm bản thân hơn như đi du lịch, làm đẹp, đầu tư cho công việc, gặp gỡ bạn bè...

Áp lực nhà ở, việc làm, chi phí sinh hoạt cao

Theo Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, tổng tỉ suất sinh của TP.HCM năm 2018 là 1,33 con, hiện ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con. Đối chiếu số liệu từ năm 2004 đến năm 2018 cho thấy tổng tỉ suất sinh của TP liên tục giảm (năm 2004 là 1,59 so với năm 2018 là 1,33). Xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2008 (1,63) và năm 2013 (1,68).

Ông Phạm Chánh Trung, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, như áp lực của cuộc sống, xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con, không muốn sinh con... Kế đến việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí...

Điều này dẫn tới tâm lý sợ tốn kém và nhu cầu sinh con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt...

"Trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Song song đó, tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con" - ông Trung phân tích.

Một em bé được sinh ra tại Bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TP.HCM) vào đầu năm 2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều hệ lụy

Vậy mức sinh thấp dẫn đến hệ lụy gì? Theo ông Trung, kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp cho thấy khi mức sinh xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có được đầu tư rất lớn hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Điều này sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong tương lai.

Bất lợi đầu tiên là già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí...

Kế đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của TP, trong khi nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số.

Ông Trung cho rằng: "Việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số".

Lo lắng công thức 1-2-4

Theo ông Phạm Chánh Trung, nếu hôm nay "mỗi gia đình chỉ sinh 1 con" với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới "thảm họa" theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được "chăm sóc" rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai.


Vì sao TP.HCM, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sợ đẻ?

Ở góc độ chuyên gia về dân số, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân phân tích:

Muốn bền vững thị trường lao động và dân số, mỗi gia đình cần sinh đủ 2 con, trong khi TP.HCM mức sinh nhiều năm nay chỉ giữ ở mức 1,3-1,4 con, phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân là hoàn toàn đúng.

TP.HCM có mật độ dân số đông, lối sống không khác nhiều so với các quốc gia phát triển, tỉ lệ dân số sống ở đô thị khoảng 80%, chi phí nuôi dạy con đắt đỏ, chưa kể các đặc thù như đường sá chật chội, không thể thả con tự đi học mà cha mẹ phải đưa đi, đó là những lý do khiến người ta sợ đẻ. Hơn nữa, đứa trẻ mới ra đời cũng làm thay đổi cuộc sống của gia đình, nên nhiều gia đình e ngại.

"Các mấu chốt phải là chăm sóc về sức khỏe, người dân, người lao động khỏe mạnh mới làm tốt được. Thứ 2 là chính sách về đào tạo, người lao động phải được đào tạo nghề, có tay nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó là chính sách an sinh xã hội cho người lao động, đảm bảo lao động ở khu vực phi chính thức cũng có sự chuẩn bị cho tuổi già của mình, từng người có chuẩn bị cho cá nhân là cách bền vững nhất" - ông Tân nói.

Theo ông Tân, để tránh việc người dân ở TP.HCM, Đông và Tây Nam Bộ ngại sinh đẻ, cần quan tâm trước hết đến những vấn đề về quy hoạch, quản lý, trật tự đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng... để người dân thấy thoải mái, tận hưởng cuộc sống. Trong giai đoạn trước mắt, TP.HCM và các khu vực phụ cận có thể sử dụng lao động từ các vùng khác dịch chuyển đến.

LAN ANH


Mức sinh con của Cần Thơ thấp

Theo Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, hiện nay TP Cần Thơ chưa có chính sách khuyến khích sinh con thứ 3 ở bất kỳ khu vực nào.

Theo công bố của Tổng cục Dân số về mức sinh thay thế của Cần Thơ đạt 2,01 con, nhưng năm 2018 số liệu điều tra của Cục Thống kê TP Cần Thơ thì mức sinh thay thế của Cần Thơ là 1,8 con, tỉ lệ giới tính khi sinh là 105 trai/100 gái.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh - chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ - cho biết chính sách dân số của thành phố chỉ điều chỉnh theo một số nghị định sửa đổi một số điều trong pháp lệnh dân số của Chính phủ (về một số người không vi phạm khi sinh con thứ 3), như: cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh từ 3 con trở lên, vợ chồng đã có 1 con đẻ nhưng sinh lần hai mà sinh 2 con trở lên; cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên trong trường hợp đã có 2 con đẻ nhưng 1 hoặc cả 2 bị dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo (không mang tính di truyền); cặp vợ chồng đã sinh 2 con nhưng chỉ 1 con đẻ còn sống...

Ngoài ra, về vấn đề kế hoạch hóa gia đình, TP Cần Thơ chưa có chủ trương khuyến khích sinh con thứ 3, chỉ thay đổi thông điệp tuyên truyền "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con" và mục tiêu chính sách dân số TP Cần Thơ đến năm 2030 duy trì mức sinh thay thế là 2,1 con.

"Chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai được giao theo từng năm, nhưng từ năm 2018 đến nay đã không còn giao chỉ tiêu về triệt sản và đình sản (ở cả nam và nữ)", bà Đảnh nói.

Sóc Trăng: không cấm gia đình có điều kiện sinh con thứ ba

Ông Nguyễn Quốc Thống - chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sóc Trăng - cho biết tỉ lệ tăng tự nhiên dân số của Sóc Trăng trong các năm qua dao động từ 0,9 - 1%. Theo ông Thống, tỉnh Sóc Trăng không khuyến cáo sinh con thứ ba, chỉ khuyến cáo sinh đủ hai con. Tuy nhiên, theo ông Thống, khu vực nông thôn còn xảy ra tình trạng sinh ba, sinh tư không chịu nghỉ. Một số trường hợp sinh nhiều con, không có điều kiện, tạo gánh nặng cho xã hội. Cũng có trường hợp sinh con nhiều, nuôi không nổi đành đem con cho người khác nuôi.

"Không khuyến khích, không khuyến cáo nhưng với những gia đình có điều kiện sinh con thứ ba, mình cũng không cấm", ông Thống cho biết.

T.LŨY - K.TÂM