Thời gian qua nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ đến chương trình “Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19”- Ảnh: NHẬT THỊNH
Ông Võ Thành Hưng - vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - khẳng định như vậy khi trao đổi về quỹ vắc xin phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký tờ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập quỹ này.
Phải tính đến tiêm vắc xin COVID-19 hằng năm
Theo ông Hưng, việc thành lập quỹ vắc xin phòng COVID-19 là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
"Trách nhiệm của ngân sách là luôn đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có mua vắc xin để tiêm phòng cho người dân. Nhưng có sự chung tay của người dân sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách" - ông Hưng nói.
Tại tờ trình, Bộ Tài chính khẳng định quỹ vắc xin phòng COVID-19 ra đời sẽ tiếp nhận nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ việc mua và tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trước đó, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương mua vắc xin phòng đại dịch này cho nhân dân từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 21 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Cũng tại tờ trình, Bộ Tài chính cho hay theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam sẽ mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng, trong đó kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối và tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức là 9.200 tỉ đồng. Đặc biệt, nhu cầu vắc xin hằng năm tăng cao khi dịch kéo dài, kinh phí sẽ mua vắc xin lớn. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Nguồn đóng góp và sử dụng được công khai
Nếu việc thành lập quỹ vắc xin phòng COVID-19 được chấp thuận, theo ông Hưng, Chính phủ hoặc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đứng ra kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng quỹ này. Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có thể đóng góp, ủng hộ bằng cách có thể chuyển khoản vào tài khoản của quỹ mở tại Kho bạc Nhà nước.
"Bộ Tài chính sẽ quản lý thu khi tiếp nhận các nguồn đóng góp hay nói cách khác là giữ tiền. Nguồn tiền từ quỹ chỉ sử dụng để mua và tiêm vắc xin cho nhân dân. Cụ thể, mỗi lần chi sẽ do Bộ Y tế đề xuất như từng đợt mua vắc xin có trị giá hợp đồng mua là bao nhiêu tiền cùng chi phí vận chuyển, bảo quản rồi trình Chính phủ quyết định" - ông Hưng cho hay.
Để minh bạch thu chi và sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ mua vắc xin cho quỹ này, Bộ Tài chính khẳng định quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, quỹ cũng phải được báo cáo tình hình thu chi, quyết toán tài chính để trình Chính phủ, Quốc hội. Số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại nếu có cũng phải được công khai.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, dù tiền từ ngân sách hay tiền tài trợ, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch gồm nhân viên y tế, quân đội, công an phải được ưu tiên tiêm đầu tiên. Các đối tượng ưu tiên tiếp theo là nhân viên cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài, công chức hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh...
"Sau khi tiêm xong cho 9 đối tượng ưu tiên, đối tượng nào sẽ được tiêm tiếp thì Bộ Y tế sẽ xác định. Công nhân, người lao động của các nhà máy ở các khu công nghiệp lớn cũng có thể sẽ được xem xét ưu tiên tiêm phòng vắc xin COVID-19" - ông Hưng cho biết.
Đã chi hơn 3.000 tỉ đồng cho phòng chống dịch Tại một văn bản vừa được gửi cho các địa phương, Bộ Tài chính lưu ý không để thiếu thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế cũng như nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Nếu gặp khó khăn, địa phương phải báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét xử lý. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngân sách trung ương đã chi cho phòng chống dịch COVID-19 trong năm 2020 cho đến nay khoảng 3.000 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin hơn 1.230 tỉ đồng, mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế 503 tỉ đồng... |
Doanh nghiệp sẵn sàng chi trả tiền tiêm vắc xin Trong văn bản gửi Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) kiến nghị đưa nhóm các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin sớm nhất, bảo đảm hoạt động liên tục, đóng góp cho nền kinh tế và giữ vững uy tín của Việt Nam trong ngành công nghiệp chế tạo toàn cầu. Nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hóa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng chi trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất trong việc cấp giấy chứng nhận tiêm vắc xin như cơ quan cấp, hình thức và nên có QR code để kiểm soát tốt, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Cũng theo VASI, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, dù doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch nhưng vẫn thường trực nguy cơ lây nhiễm, đe dọa ngừng sản xuất. N.AN |
Bắc Giang: thiếu y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: CDC Bắc Giang Ngày 20-5, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho hay số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn được ghi nhận cùng ngày chỉ còn trên 60 ca, giảm mạnh so với con số 100 ca của ngày trước đó, và đều là F1 đã được cách ly tập trung, chưa ghi nhận thêm các ca nhiễm cộng đồng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Ánh Dương - chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết công tác chạy các mẫu xét nghiệm trên địa bàn những ngày qua bị chậm, làm ảnh hưởng tới tốc độ truy vết các trường hợp liên quan. "Nhưng hôm nay (20-5), Viện Quân y 103 đã đưa dàn máy có công suất gấp 10 lần những ngày trước cùng sinh phẩm từ TP.HCM về nên tốc độ xét nghiệm không còn chậm nữa. Đây là một tin vui với Bắc Giang bởi công suất xét nghiệm tối đa đạt 100.000 mẫu/ngày" - ông Dương nói. Tuy nhiên, do số bệnh nhân COVID-19 vẫn tăng nên Bắc Giang thiếu nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19. Bắc Giang hiện có 9 khu cách ly điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với công suất 2.164 giường, chưa kể bệnh viện dã chiến số 3 với công suất 620 giường đang được xây dựng. "Bắc Giang đang thiếu khoảng 200 y bác sĩ để điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đã cam kết sẽ có phương án tăng cường trong thời gian sớm nhất" - ông Dương cho biết. CHÍ TUỆ |
Bắc Ninh truy vết nhanh người về từ ổ dịch ở Bắc Giang Ngày 20-5, tại buổi làm việc với ngành y tế Bắc Ninh, ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế - cho biết bộ này sẽ chuyển giao tài liệu, tập huấn trực tuyến và đưa ra các giải pháp hỗ trợ Bắc Ninh về nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để điều trị bệnh nhân và cử đoàn công tác trực tiếp nắm bắt tình hình, tư vấn, hỗ trợ Bắc Ninh phòng chống dịch. Trước mắt, Bộ Y tế cử chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phụ sản trung ương về hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện Sản - nhi tỉnh điều trị bệnh nhân. "Bắc Ninh cần xét nghiệm triệt để cho người lao động trong các khu công nghiệp, thậm chí yêu cầu hỗ trợ để tăng số lượng mẫu, nhanh chóng có kết quả trong vòng 24 giờ" - ông Sơn yêu cầu. Tại buổi làm việc, ông Vương Quốc Tuấn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết địa phương đang truy vết nhanh những người có liên quan đến các khu công nghiệp ở Bắc Giang, yêu cầu lao động đó tạm nghỉ việc; tăng cường xét nghiệm diện rộng với những lao động lưu trú tại khu nhà trọ và các gia đình đang có công nhân lưu trú... Theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Ninh, tính đến trưa 20-5, địa phương này ghi nhận 367 ca dương tính với SARS-CoV-2, rà soát được 30.939 trường hợp F1 và F2, lấy tổng số 219.798 mẫu xét nghiệm. Bắc Ninh cũng đang điều trị cho 361 trường hợp F0, trong đó có 29 bệnh nhân nặng phải thở oxy, 1 bệnh nhân lọc máu liên tục. CHÍ TUỆ |
Đà Nẵng: xét nghiệm tất cả hộ dân quận Sơn Trà Toàn bộ hộ dân ở quận Sơn Trà và công nhân TP Đà Nẵng sẽ được xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG Ngày 20-5, Đà Nẵng chỉ có 1 ca nhiễm mới là F1, được cách ly của trường hợp F0 trước đó. Chiều cùng ngày, ông Lê Trung Chinh - trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng - cho biết sẽ cho xét nghiệm toàn bộ các hộ dân ở quận Sơn Trà và công nhân toàn TP sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Trước đó, Đà Nẵng đã tổ chức xét nghiệm diện rộng cho các hộ gia đình trên địa bàn. Trong số 219.000 hộ chưa có người được xét nghiệm, TP dự kiến lấy mẫu xét nghiệm 30% số hộ (hơn 65.000 hộ) trong thời gian từ ngày 18 đến 21-5 để đánh giá, sàng lọc nguy cơ. Tuy nhiên, ngày 19-5 Đà Nẵng ghi nhận thêm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua chương trình xét nghiệm đại diện hộ gia đình nhưng chưa xác định được nguồn lây. Đó là chị C.T.N. (31 tuổi, trú tại chung cư E83, quận Sơn Trà), nhân viên y tế Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Do đó, theo ông Chinh, sẽ xét nghiệm toàn bộ người đại diện cho hộ dân ở quận Sơn Trà thay vì 30% như kế hoạch trước đây. Ngoài ra, toàn bộ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao cũng được xét nghiệm. TRƯỜNG TRUNG |
Theo tuoitre