leftcenterrightdel
 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Sudan có nguy cơ mắc bệnh tả - Ảnh: UNICEF

Theo UNICEF, tỉ lệ tiêm chủng ở Sudan đã giảm mạnh từ 85% xuống còn 50%, trước khi xung đột nội bộ giữa lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự nổ ra hồi tháng 4/2023. Đây cũng được xem là nguyên nhân chính khiến Sudan đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch tả.

Báo cáo cho biết hơn 70% bệnh viện ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột không còn hoạt động, trong khi các nhân viên y tế tuyến đầu đã không được trả lương trong nhiều tháng.

Kể từ khi xung đột nổ ra, các dịch bệnh như dịch tả, sốt rét, sởi và sốt xuất huyết đã lây lan nghiêm trọng, khiến hàng trăm người tử vong.

Hồi tháng Tám, Bộ Y tế Sudan tuyên bố dịch tả bùng phát và cho rằng sự lây lan của dịch bệnh là do điều kiện môi trường xấu đi vì xung đột và do nguồn nước dùng không sạch.

Theo Liên hiệp quốc, tính đến nay, cuộc xung đột tại Sudan đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, hơn 10 triệu người phải di dời và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới.

Theo phụ nữ TPHCM