Những người trẻ tuổi làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác dập dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Tính đến hết ngày 29-2, có tổng cộng 79.824 ca nhiễm COVID-19, 2.870 ca tử vong và 41.625 ca hồi phục ở Trung Quốc đại lục. Đây là lần đầu tiên số ca hồi phục vượt qua số ca nhiễm đang được điều trị. Ngày 29-2 cũng là ngày thứ 18 liên tiếp số ca xuất viện mỗi ngày nhiều hơn 1.000 ca tại đây.

Đã hồi phục có tái nhiễm?

Đó chính là câu hỏi nhận được sự quan tâm hàng đầu của nhiều người ở Trung Quốc những ngày gần đây khi một số báo cáo cho hay có trường hợp tái nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện. 

Về vấn đề này, nhà dịch tễ học nổi tiếng Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn, nhận định: "Nói chung một bệnh nhân sau khi đã hồi phục bên trong cơ thể sẽ xuất hiện kháng thể, do đó khả năng nhiễm bệnh lần nữa là rất thấp".

Ông nói rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả dương tính dù bệnh nhân đã hồi phục, trong đó "độ nhạy cảm" của bộ thử khác nhau trong quá trình xét nghiệm là một nguyên nhân. 

Tờ Kinh Báo dẫn lời ông cho biết cần thực hiện các kiểm tra kháng thể đơn giản để đánh giá bệnh nhân sẽ tái nhiễm hay không. Nếu kết quả cho thấy kháng thể IgG tăng cao gấp 4 lần có thể đánh giá bệnh nhân sẽ "không tái nhiễm". 

Tuy vậy vị chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc cho biết hiện vẫn cần theo dõi con virus này và "không thể đưa ra kết luận tuyệt đối".

Còn bác sĩ Trương Văn Hoành, làm việc tại Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết: "Điều mà chúng tôi lo ngại là sau khi xuất viện, nếu bệnh nhân tái nhiễm, vậy bệnh nhân sẽ lây bệnh cho người khác hay không? Hiện tại số liệu trên toàn quốc cho thấy không có một trường hợp nào như vậy". Ông Chung Nam Sơn cũng cùng quan điểm này.

Tại cuộc họp báo của Chính phủ Trung Quốc hôm 28-2, bà Quách Yên Hồng, một chuyên viên giám sát tại Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), cho biết nghiên cứu thực hiện với các bệnh nhân tại Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam... hiện cho thấy "không phát sinh hiện tượng truyền nhiễm cho người khác" sau khi bệnh nhân xuất viện.

Nhẹ, nặng đều có thể hồi phục

Với sự hỗ trợ của y bác sĩ và lòng tin của người bệnh, cuộc chiến với corona ở Trung Quốc đang cho thấy những thắng lợi lớn.

Hôm 28-2, NHC cho biết họ đã phân tích hơn 8.400 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục nhằm đưa ra những hướng dẫn về điều trị. Kết quả cho thấy trong số này có 90,8% trường hợp thuộc loại nhẹ, 7,2% thuộc loại nặng và chỉ 2% thuộc loại nguy kịch. Trong đó khoảng 13,5% bệnh nhân có ít nhất 1 bệnh nền và 2,8% bệnh nhân có ít nhất 2 bệnh nền. 

"Điều này cho thấy nếu tăng cường điều trị, dù là ca nặng và có bệnh nền vẫn có thể hồi phục tốt" - bà Quách Yên Hồng thông tin.

Về chẩn đoán và điều trị, bà Quách cho biết có 85% bệnh nhân trải qua phương thức "trị liệu kháng virus" và gần 40% bệnh nhân được điều trị bằng cách kết hợp Tây y và Đông y. 

Đối với các ca nhẹ, có sử dụng các cách điều trị thông thường, điều trị triệu chứng, dùng thuốc kháng virus, chú trọng vấn đề cân bằng chất điện giải, nước và vấn đề dinh dưỡng. Đối với ca nặng, sử dụng cách trị liệu tổng hợp, đặc biệt chú trọng hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, và chức năng đa cơ quan, đồng thời phòng ngừa biến chứng.

Bà Quách cho biết những bài học cùng kinh nghiệm đạt được từ nghiên cứu sẽ được áp dụng khi nước này cập nhật các kế hoạch điều trị mới.

Dùng huyết tương điều trị có hiệu quả tốt

Trong cuộc họp báo ngày 28-2, bà Quách Yên Hồng cũng cho biết các bác sĩ ở Trung Quốc đang tích cực sử dụng huyết tương của những người đã được chữa khỏi bệnh trong điều trị bệnh. Cho đến nay 245 bệnh nhân đang được điều trị theo phương pháp này. Tính hiệu quả và an toàn của phương pháp đã được chứng minh.

Theo kết quả giám sát được thực hiện trong hơn 48 giờ đối với nhóm 157 bệnh nhân, bằng cách sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh, các chuyên gia nhận thấy chỉ số của 91 ca rõ ràng đã được cải thiện sau 2 ngày.


Theo tuoitre