Hơn 8 triệu người tử vong mỗi năm vì thuốc lá
Cập nhật lúc 23:18, Thứ tư, 01/06/2022 (GMT+7)
Thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó 1,2 triệu ca tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
|
|
Một bệnh nhân 34 tuổi (Hà Nội) có tiền sử 20 năm hút thuốc lá rơi vào tình trạng ngừng tim, suýt tử vong, cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn ngày 20/5 vừa qua |
Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ vào sáng 28/5 tại buổi Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31/5/2022.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Khoảng 7 triệu ca tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp, trong khi 1,2 triệu ca tử vong là những người không hút thuốc có tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Cũng theo báo cáo của WHO và các nhà khoa học, có trên 7.000 chất độc trong khói thuốc lá. Hiện khói thuốc là nguyên nhân chính trong nhóm nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đột quỵ, phổi tắc nghẽn mạn tính.
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội như chi tiêu cho hút thuốc, chi phí khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: “Theo báo cáo của 1.400 bệnh viện ở Việt Nam, hơn 70% người đến bệnh viện khám các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, béo phì... Đáng nói là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mắc các bệnh nói trên là do tác hại của thuốc lá”.
Ông Khuê cũng thông tin, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3%.
Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại nơi làm việc, cơ sở y tế, giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và trong nhà.
Riêng tỷ lệ hút thuốc ở học sinh, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019 cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%).
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng thẳng thắn nêu rõ, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao. Đặc biệt hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ...
"Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe trong thế hệ trẻ", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Đại diện Bộ Y tế gửi thông điệp đến các cơ quan, tổ chức tiếp tục tăng cường thực thi Luật phòng chống thuốc lá, kêu gọi những người hút thuốc bỏ thuốc lá.
Cai thuốc sớm là phương pháp giúp ngăn ngừa bệnh tật, giảm bớt gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà hiện vẫn đang chiếm tới hơn 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
Theo giadinhonline