Hiện nay có đến 150 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng - Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế bệnh Tiêu chảy
Giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ là một vấn đề cấp thiết vì theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có đến 150 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Trẻ suy dinh dưỡng không chỉ có thể lực yếu, chúng còn thiếu nhiều vi khuẩn đường ruột cần thiết cho hệ tiêu hoá và hấp thụ chất.
Các nhà khoa học của Trường đại học Washington ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ, cho rằng nguyên nhân nói trên là lý do vì sao trẻ em suy dinh dưỡng kém phát triển, nên họ đã tìm ra một chế độ ăn có thể cải thiện vi khuẩn đường ruột ở trẻ, theo BBC.
Ban đầu, nhóm đã nghiên cứu các loại vi khuẩn và vi sinh hiện diện trong đường ruột của những đứa trẻ Bangladesh bình thường. Sau đó thử nghiệm mức độ hiệu quả của những loại thức ăn sẽ thúc đẩy sự phát triển của những loại vi khuẩn quan trọng trong đường ruột trên lợn và chuột.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu thực hiện thử nghiệm kéo dài một tháng với 68 đứa trẻ suy dinh dưỡng ở Bangladesh ở độ tuổi 12 đến 18 tháng. Những đứa trẻ này được chia thành các nhóm nhỏ và mỗi nhóm sẽ thử nghiệm chế độ dinh dưỡng khác nhau.
Sau một thời gian theo dõi sự hồi phục của những đứa trẻ này, có một chế độ ăn trở nên đặc biệt nổi bật và phát huy tác dụng tốt. Đó là chế độ ăn gồm chuối, đậu nành, bột đậu phộng và đậu gà được nấu thành một hỗn hợp đặc sệt.
Theo nhóm nghiên cứu, chế độ ăn này thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt có trong đường ruột, và chúng có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển xương, não và hệ miễn dịch ở trẻ.
Đáng chú ý hơn, đây đều là những loại thực phẩm có giá thành hợp lý với người dân.
Theo giáo sư Jeffrey Gordon, nhà nghiên cứu của trường Đại học Washington đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, những chế độ ăn khác gồm cơm hay đậu lăng đều không hiệu quả bằng chế độ ăn này. Tuy nhiên, ông khẳng định nhóm nghiên cứu cũng chưa thật sự rõ vì sao chế độ ăn này lại hiệu quả hơn các chế độ ăn khác.
Hiện nay ông Gordon cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế bệnh Tiêu chảy ở thành phố Dhaka, Bangladesh đang tìm hiểu tác động lâu dài của chế độ ăn này đến cân nặng và sự phát triển chiều cao của những đứa trẻ suy dinh dưỡng.
"Đây là tổ hợp những vi sinh vật mà hiện diện ở nhiều nơi chứ không chỉ là đường ruột. Chúng có một sự liên hệ mật thiết với tình trạng sức khoẻ và chúng ta cần phải tìm hiểu cơ chế này để có thể sử dụng sau này", BBC dẫn lại lời ông Gordon.
Ông khẳng định thêm rằng ở những nước khác nhau, những thực phẩm khác nhau có thể mang lại hiệu quả này.
Nghiên cứu được đăng tải trong tạp chí khoa học của Mỹ Science ngày 12-7-2019.
Theo tuoitre