leftcenterrightdel
 Trẻ thiếu ngủ trầm trọng gây tình trạng kém tập trung và những nguy cơ sức khỏe trong tương lai.

Viện nghiên cứu lớn nhất Nhật Bản Riken và Đại học Tokyo vừa mới công bố phát hiện trên vào tuần trước.

Theo đó, các nhà khoa học đã đo điều kiện ngủ của khoảng 7.700 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông bằng thiết bị theo dự án "Kiểm tra giấc ngủ của trẻ em" bắt đầu vào tháng 9/2022.

Những em tham gia vào nghiên cứu được chọn từ 68 trường học trên toàn nước Nhật. Các em được yêu cầu đeo một thiết bị có hình dạng giống đồng hồ đeo tay trong một tuần để đo độ dài, chất lượng và nhịp điệu giấc ngủ.

Kết quả cho thấy, học sinh lớp 6 và lớp 8 ngủ trung bình 7,9 tiếng/ngày, học sinh lớp 12 ngủ 6,45 tiếng, tất cả đều không đạt khuyến nghị của chính phủ. Khoảng 30% học sinh cấp 3 ngủ dưới 6 tiếng.

Theo khuyến nghị của chính phủ Nhật Bản, học sinh tiểu học nên ngủ 9-12 tiếng, học sinh trung học cơ sở, phổ thông nên ngủ 8-10 tiếng.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều trẻ đang trong tình trạng "lệch múi giờ xã hội", tức là giờ thức giấc vào ngày trong tuần và ngày nghỉ hay cuối tuần khác nhau.

Akifumi Kishi, thành viên nhóm nghiên cứu và là giảng viên tại Đại học Tokyo cho biết, điều này được cho là nguyên nhân gây buồn ngủ vào ban ngày, khiến thiếu niên kém tập trung, tăng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe sau này.

"Vào cuối tuần, trẻ em đi ngủ muộn và dậy muộn để bù đắp cho việc thiếu ngủ vào các ngày trong tuần. Điều quan trọng là phải giảm bớt thời gian ngủ làm gián đoạn nhịp điệu giấc ngủ bằng cách ngủ nhiều hơn một chút vào các ngày trong tuần và đi ngủ sớm hơn một chút vào cuối tuần thay vì thức khuya", Akifumi Kishi nói.

Nhóm nghiên cứu đang tuyển dụng trẻ em các thành phố và trường học mới tham gia vào dự án kiểm tra giấc ngủ và sẽ tiếp tục khảo sát cho đến năm tài chính 2025.

Theo phụ nữ TPHCM