Cụ thể, phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer’s (AD) hoặc AD kèm theo các chứng sa sút trí tuệ (ADRD) cao hơn so với nam giới cùng tuổi.

Ngoài ra, sau khi được chẩn đoán mắc chứng AD, phụ nữ cũng thường bị suy giảm nhận thức nhanh hơn nam giới.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ và ngủ không đủ giấc trong suốt cuộc đời cao hơn so với nam giới

Trong một nghiên cứu gần đây của tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience, các nhà khoa học đã mô tả mối quan hệ giữa giới tính sinh học, trí nhớ, giấc ngủ và hormone với nguy cơ mắc chứng ADRD. Tuy nhiên, các dữ liệu có sẵn về ảnh hưởng của hormone sinh dục đối với giấc ngủ và trí nhớ, có xem xét đến chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mãn kinh và việc mang thai, hiện đang còn khá hạn chế, dẫn đến những kết luận trái chiều nhau.

Một số nghiên cứu báo cáo rằng nếu nồng độ của các nội tiết tố như estrogen và progesterone tăng ở mức độ vừa phải thì điều đó sẽ có lợi cho trí nhớ và giấc ngủ của phụ nữ.

Trong khi đó, một số nghiên cứu lại đưa ra kết luận trái ngược với những phát hiện này, cho rằng hormone sinh dục không ảnh hưởng đáng kể đến trí nhớ và giấc ngủ.

Ở tác động theo chiều ngược lại, một nghiên cứu khác tiết lộ rằng việc thiếu ngủ sẽ làm giảm nồng độ progesterone, nhưng không làm giảm nồng độ estradiol (một hormone sinh dục chính) ở phụ nữ. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại cho rằng hormone sinh dục nữ không thay đổi đáng kể sau khi thiếu ngủ.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, trong thời kỳ mãn kinh, sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến giấc ngủ, do các tế bào thần kinh hoạt động quá mức.

Đáng chú ý, một phân tích tổng hợp gần đây cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ và ngủ không đủ giấc trong suốt cuộc đời cao hơn so với nam giới.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác đằng sau sự ảnh hưởng của các hormone giới tính đến giấc ngủ và trí nhớ, cũng như mối liên hệ của chúng với chứng ADRD, vẫn chưa được hiểu rõ. Do đó, các tác giả cho biết, cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn từ quan sát thực tế trên mẫu nghiên cứu lớn, cũng như qua các thử nghiệm có sử dụng động vật và con người, để hiểu rõ hơn về mối quan hệ qua lại giữa giấc ngủ, hormone giới tính, trí nhớ và tác động của chúng đối với nguy cơ mắc chứng ADRD.

Số người trên 60 tuổi bị chứng sa sút trí tuệ tăng gấp đôi sau mỗi 20 năm

Theo các báo cáo gần đây, số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên khắp thế giới đang tăng rất nhanh. Năm 2008, có khoảng 506 triệu người thuộc nhóm tuổi này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ước tính rằng con số này sẽ tăng lên 1,4 tỷ người vào năm 2040, kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe liên quan đến tuổi tác, nhất là chứng sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức.

Những người trên 60 tuổi bị chứng sa sút trí tuệ cũng dường như tăng gấp đôi sau mỗi 20 năm, với số lượng bệnh nhân sa sút trí tuệ ước tính lên tới 115,4 triệu người vào năm 2050.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh Alzheimer’s (AD) là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ. Lão hóa là một yếu tố tự nhiên góp phần gây ra rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ và nguy cơ mắc bệnh AD.

Một nghiên cứu gần đây đã xác định mối liên quan giữa chất lượng giấc ngủ và suy giảm nhận thức, được chứng minh qua tỷ lệ người mắc bệnh AD, hoặc AD kèm theo các chứng sa sút trí tuệ (ADRD). Nghiên cứu này cho biết, giấc ngủ “chập chờn” với thời lượng ngủ quá ngắn hoặc quá dài sẽ làm tăng khả năng mắc ADRD.

 

Theo phunuonline.com.vn