1. Cây hương phụ có đặc điểm gì?
Hương phụ còn gọi là củ gấu, cỏ gấu, cỏ cú. Tên khoa học Cyperus rotundus L; thuộc họ Cói Cyperaccae.
Vị hương phụ là thân rễ (Rhizoma Cyperi) phơi hay sấy khô của cây củ gấu hay cỏ gấu Cyperus rotundus L.
Cây cỏ gấu là một loại cỏ mọc hoang khó tiêu diệt đối với nhà nông, nhưng là một vị thuốc quý nếu biết sử dụng.
Các thầy thuốc đông y thường truyền nhau câu: "Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ", có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu được vị trần bì và chữa bệnh cho nữ giới không thể không dùng vị hương phụ.
Cỏ gấu là một loại cỏ, thân rễ phát triển phình ra thành củ. Tùy theo đất rắn hay xốp củ phát triển to hay nhỏ. Ở vùng bờ biển củ to dài còn gọi là hải hương phụ (hương phụ vùng biển).
Khi dùng có thể dùng sống gọi là sinh hương phụ, có thể sao tẩm với 4 loại hương liệu khác nhau cho ra các tác dụng điều trị bệnh khác nhau gọi là tứ chế.
2. Tác dụng dược lý của hương phụ
Trong hương phụ có từ 0,3 đến 2,8% tinh dầu màu vàng, mùi thơm nhẹ đặc biệt của hương phụ. Ngoài ra, hương phụ còn chứa rất nhiều tinh bột.
Theo Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức và Lưu Thiệu Quang (Trung Hoa y học tạp chí) đã dùng vị hương phụ chế thành cao lỏng 5%, thí nghiệm 102 lần trên tử cung cô lập của thỏ, mèo, chó và chuột bạch đã chứng minh hương phụ có khả năng ức chế co bóp tử cung, làm dịu sự căng thẳng của tử cung dù con vật có thai hay không có thai đều như nhau, gần như có tác dụng trực tiếp làm cho cơ tử cung dịu lại.
Một số tác giả ở Quý Dương y học viện (Trung Quốc) báo cáo nghiên cứu và chứng minh tác dụng giảm đau trên chuột nhắt trắng.
3. Công dụng và liều dùng
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, hương phụ là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm nhân dân. Tính chất của hương phụ trong các sách cổ: Vị cay, hơi đắng, ngọt, vào hai kinh can và tam tiêu; có tác dụng lý khí, giải uất, điều kinh, chỉ thống (làm hết đau), chữa khí uất, hỗ trợ điều trị ung thư, ngực bụng chướng đau.
Hương phụ thường được dùng:
- Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mạn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở.
- Đau dạ dày do thần kinh, giúp tiêu hóa tốt, ăn không tiêu, chữa nôn mửa, đau bụng, đi lỵ.
Ngày dùng 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên hoặc rượu thuốc.
Một số đơn thuốc có hương phụ
Cao hương ngải: Hương phụ, ngải cứu, ích mẫu, lá bạch đồng nữ, mỗi thứ 1g, thêm nước vào sắc kỹ, cô đến còn 10ml, thêm đường vào cho đủ ngọt. Đóng vào ống 10ml, hàn và hấp tiệt trùng (đun sôi và giữ sôi trong 1 giờ).
Tác dụng: Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, khó sinh nở, khí hư bạch đới. Ngày uống từ 3 đến 6 ống.
Muốn cho kinh nguyệt đều uống đón kinh, 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh. Uống luôn như vậy trong 2 hay 3 tháng. Có thể dùng lâu hơn.
Thuốc ống HA1: Trong mỗi ống có ích mẫu, hương phụ, ngải cứu và lá bạch đồng nữ, mỗi thứ 2g (đặc gấp 2 lần ống cao hương ngải). Cách chế cũng như chế cao hương ngải.
Ngoài công dụng chữa bệnh phụ khoa, thuốc còn có kết quả trong một số trường hợp tăng huyết áp.
Mỗi ngày chỉ dùng 2 đến 3 ống HA1.
Tại những nơi không có điều kiện đóng ống, có thể sắc mỗi ngày một lần dùng cho cả ngày theo đơn thuốc sau: Hương phụ, ngải cứu, ích mẫu, lá bạch đồng nữ, mỗi vị 4 hay 6g, thêm 300ml nước, đun sôi và giữ sôi trong nửa giờ. Thêm đường vào để uống trong ngày.
Lưu ý: Các đơn thuốc trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh cần được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ Đông y để được chữa trị phù hợp mới cho kết quả.
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, hương phụ là vị thuốc quý, đặc biệt tốt cho phụ nữ, thành phần không thể thiếu trong các đơn thang của các bác sĩ Đông y trong điều trị đau bụng kinh và kinh nguyệt không đều, hoặc các bệnh có chứng uất gây ra. Tuy nhiên khi dùng nên thận trọng vì hương phụ vị đắng, tính hoạt mạnh, có thể làm tổn thương khí huyết, vì vậy cần có sự phối ngũ (kết hợp từ hai vị thuốc trở lên) thích hợp để đạt hiệu quả trong điều trị. |
Theo suckhoedoisong.vn