Huyết áp cao, kẻ giết người thầm lặng
Cập nhật lúc 22:45, Thứ tư, 29/11/2023 (GMT+7)
Kiểm soát huyết áp cao là chìa khóa để có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.
|
|
Huyết áp cao là một tình trạng bệnh phổ biến mà nhiều người mắc phải trên toàn thế giới. Nó xảy ra khi lực máu tác động lên thành động mạch của bạn. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim và đột quỵ. Đồ họa: Ngọc Thùy |
Bác sĩ y khoa Peter Attia là chuyên gia về tuổi thọ và là người tạo ra podcast "The Drive". Ông đồng thời là tác giả của cuốn sách best-seller "Sống lâu hơn: Khoa học & Nghệ thuật về tuổi thọ".
Theo vị chuyên gia, huyết áp cao có ý nghĩa to lớn đối với sức khỏe và tuổi thọ. Trong đó, lối sống có tác động sâu rộng. Cải thiện lối sống là phương pháp chăm sóc sức khỏe cơ bản, nhưng là một phần quan trọng trong cẩm nang kéo dài tuổi thọ.
Bác sĩ Attia đánh giá, huyết áp cao là kẻ giết người thầm lặng. Dù không có triệu chứng cụ thể nào, nhưng theo thời gian, tác động của huyết áp cao có thể diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ đau tim và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như đột quỵ và mất trí nhớ.
Do đó, việc kiểm soát huyết áp cao sớm là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người thậm chí còn không nhận thức được tình trạng huyết áp của mình. Mặc dù gần một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị tăng huyết áp (được định nghĩa là huyết áp có chỉ số tâm thu bằng hoặc trên 130 mmHg và chỉ số tâm trương bằng hoặc trên 80 mmHg), chỉ có khoảng một phần tư trong số này chủ động kiểm soát sức khỏe.
Kiến thức y khoa tiêu chuẩn khuyến nghị nên điều trị ở phạm vi 140-90 mmHg. Song, nghiên cứu SPRINT mang tính bước ngoặt cho thấy, việc giảm huyết áp xuống phạm vi 120-80 sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong.
Để quản lý huyết áp của mình, trước tiên cần xác định điểm khởi đầu. Mặc dù phép đo một lần có thể cung cấp ước tính sơ bộ, nhưng huyết áp có thể dao động mạnh dựa trên lượng nước, mức độ căng thẳng, tư thế, lượng cafein, tình trạng thiếu ngủ và các biến số khác. Do đó, để có kết quả chính xác hơn, cần phải đo nhiều lần trong một khoảng thời gian theo ngày.
Bác sĩ Attia khuyến nghị, người huyết áp cao nên sử dụng thiết bị đo huyết áp tại nhà hai lần một ngày, vào cùng một thời điểm vào mỗi buổi sáng và buổi tối, trong ít nhất hai tuần. Giá trị trung bình của các con số đó sẽ cung cấp giá trị tham chiếu chính xác hơn. Từ đó, người huyết áp cao có thể theo dõi những thay đổi bằng cách kiểm tra hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng, mỗi lần đo một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Mục tiêu của việc kiểm tra thường xuyên là nhận biết tình trạng huyết áp sớm để có phương pháp can thiệp kịp thời.
Tiêu chuẩn vàng để đo huyết áp là sử dụng vòng bít và ống nghe. Theo kinh nghiệm của bác sĩ Attia, vòng bít tự động có thể đánh giá huyết áp quá cao vì hoạt động dựa trên thuật toán ước tính huyết áp tâm thu và tâm trương từ “huyết áp động mạch trung bình” đo được (về cơ bản là huyết áp trung bình).
Ngoài ra, do có rất nhiều biến số ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp nên người bệnh cần phải tuân theo cùng một quy trình cho mỗi lần đo. Cụ thể:
- Ngồi tựa lưng trong năm phút trước khi đo (không nên nhìn vào điện thoại hoặc nói chuyện)
- Không bắt chéo chân.
- Kiểm tra xem vòng bít đã đủ chặt
- Tránh nói chuyện trong lúc kiểm tra.
Lưu ý: Bàng quang đầy có thể làm tăng huyết áp của từ 10 đến 15 mmHg.
Theo laodong