Những lưu ý khi hạ huyết áp để nhanh hồi phục sức khỏe
Một số trường hợp, hạ huyết áp rất nguy hiểm, vì vậy, khi hạ huyết áp cần chú ý những điều sau để nhanh phục hồi sức khoẻ:
Cần uống nhiều nước
Mất nước có thể là một trong những nguyên nhân gây hạ huyết áp. Vì thế ngay khi có các dấu hiệu của tụt huyết áp người bệnh có thể uống ngay 2 cốc nước lọc để giúp phục hồi huyết áp lên tạm thời. Ngoài ra, nên duy trì uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp tăng thể tích máu và giảm nguy cơ mất nước.
Nên uống trà gừng
Khi hạ huyết áp nên uống trà gừng vì gừng có tính ấm, cải thiện lưu thông tuần hoàn máu và chống nôn nên giúp làm dịu nhanh các cảm giác khó chịu, buồn nôn, chóng mặt, chân tay lạnh… Vì vậy khi bị huyết áp thấp có thể xử lý nhanh bằng cách lấy một củ gừng tươi đập dập hoặc thái lát mỏng pha với nước sôi, thêm ít đường hoặc mật ong và uống ngay khi còn ấm.
Tuy nhiên không nên lạm dụng trà gừng vì nếu dùng quá nhiều có thể gây tác dụng ngược đến sức khỏe như: ợ nóng, khó tiêu hóa,… Đặc biệt ở phụ nữ có thai và đang cho con bú thì không nên dùng trà gừng nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Uống nước chanh
Khi hạ huyết áp nên uống nước chanh vì chứa hàm lượng vitamin C dồi dào có tác dụng giảm mất nước, ổn định lưu thông máu, điều hòa huyết áp. Nếu cảm thấy mệt mỏi do huyết áp thấp, hãy dùng một quả chanh tươi vắt lấy nước pha cùng 200 – 300ml nước, thêm 1/2 thìa cà phê muối và đường vừa đủ hoặc nếu có chanh ngâm thì pha loãng với nước để uống luôn.
Uống trà, cà phê
Khi hạ huyết áp nên uống cà phê, trà vì trong chúng có thể chứa caffeine là chất kích thích có thể làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp. Vì vậy uống một tách cà phê hay trà đặc là biện pháp giúp nâng huyết áp tạm thời, tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài cho người huyết áp thấp.
Phòng ngừa huyết áp thấp tại nhà
Để phòng ngừa huyết áp thấp cần chú ý đến chia bữa ăn nhỏ, trong ngày giúp giảm khoảng cách giữa mỗi bữa ăn và đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, từ đó giảm nguy cơ bị huyết áp thấp.
Tránh di chuyển hoặc thay đổi tư thế đột ngột, không ngồi hay đứng dậy nhanh khi đang nằm. Nhất là khi thức dậy vào buổi sáng, nên thở sâu trong vài phút để cơ thể kịp thời thích nghi, sau đó từ từ ngồi dậy trước khi đứng lên. Khi có hiện tượng hoa mắt, chóng mặt,… nên uống 1,2 cốc nước tiếp đó ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi.
Tăng lượng muối thích hợp vào khẩu phần ăn hàng ngày, ngoại trừ những trường hợp mắc bệnh tim mạch, bệnh thận.
Tăng cường bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày các thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic như: Thịt bò, trứng, rau cải xanh, rau bina, bí đỏ,…
Cần thêm gia vị trong các món ăn như: Hành, tỏi, gừng, tiêu, giấm, rượu vang,… có thể kích thích vị giác, giúp dạ dày tăng tiết dịch vị, thúc đẩy quá trình tiêu hóa tốt hơn, đồng thời làm tăng cường lưu thông máu, tốt cho người huyết áp thấp. Tỏi chứa thành phần giúp ổn định huyết áp cùng với nhiều lợi ích sức khỏe khác. Có thể ăn 2 tép tỏi sống trước khi đi ngủ một giờ hoặc bổ sung khi chế biến thức ăn.
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày nhằm cải thiện lưu thông máu, ổn định huyết áp và nâng cao sức khỏe.
Nếu bị tụt huyết áp mà không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ thì người bệnh nên ngồi nghỉ. Nếu được, nên nằm nghỉ, dùng gối kê đầu và chân, nên kê chân cao hơn so với đầu.
Uống thuốc theo đơn bác sĩ (nếu có), khi tình trạng được cải thiện, người bệnh ngồi dậy từ từ, và lưu ý cử động tay chân trước khi ngồi dậy.
Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, người bệnh cần gặp bác sĩ thăm khám để tìm ra nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, hạ huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Khi bị hạ huyết áp với các dấu hiệu chóng mặt, nôn ói, mất tập trung, đổ mồ hôi, người bệnh cần ngồi xuống hay nằm nghỉ. Nếu kèm theo dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, môi tím tái thì nên đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Theo suckhoedoisong.vn