Tại Indonesia, “sữa cá” được làm từ protein của cá, chế biến thành dạng bột mịn, sau đó được xử lý lần nữa để trở thành một loại thức uống đóng hộp tiện dụng. Sữa được bổ sung đường và hương vị nhân tạo nhằm át đi vị đặc trưng ban đầu của thủy sản.
Lựa chọn thay thế độc đáo
Vấn đề đưa thêm sữa cá vào chương trình bữa trưa miễn phí bắt đầu được thảo luận từ đầu tháng 9 năm nay, khi ông Sis Apik Wijayanto - giám đốc điều hành ID Food, một công ty thực phẩm trực thuộc nhà nước Indonesia - công bố về những nghiên cứu mới tìm kiếm chọn lựa sữa cải tiến thay thế sữa bò.
“Chúng ta có thể tìm ra các giải pháp thay thế sữa bò. Mọi thứ đang được nghiên cứu. Một đề cử khả dĩ lúc này là sữa cá” - ông Wijayanto phát biểu hôm 4/9 ở thủ đô Jakarta.
|
Các em học sinh tại một trường tiểu học thuộc tỉnh Tây Java thưởng thức phần ăn trưa, trong chương trình thử nghiệm bữa trưa miễn phí của chính phủ. (Ảnh: TheStraitsTimes) |
Theo ghi nhận từ truyền thông địa phương, ID Food sẽ tham gia phát triển dự án bữa ăn miễn phí triển khai bởi ông Prabowo. Chương trình dự kiến chính thức bắt đầu từ tháng 1/2025, tiêu tốn chi phí 71 nghìn tỷ rupiah (hơn 4,4 tỷ USD). Mục tiêu của chính phủ là cung cấp bữa ăn trưa miễn phí mỗi ngày cho trẻ em trên cả nước.
Chính phủ Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc ra mắt sữa cá vào năm 2023. Sản phẩm phản ánh nỗ lực của Bộ Hàng hải và Thủy sản, tận dùng nguồn tôm cá dồi dào ở quốc đảo Đông Nam Á.
Những công ty địa phương, như Beri Protein, đang góp phần phát triển – phân phối sản phẩm sữa bột dinh dưỡng đặc biệt này. Giới doanh nghiệp đang cộng tác cùng ID Food trong hoạt động quảng bá và nhân rộng quy mô sản xuất.
Thông tin cụ thể về doanh thu không được tiết lộ, nhưng sữa cá đã bắt đầu xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử tại Indonesia. Bột protein thủy phân, thành phần nền tảng làm nên sữa cá, trước đây chỉ được sử dụng như phụ gia, chưa từng đóng vai trò sản phẩm dinh dưỡng thay thế.
Nỗi lo về lợi ích dinh dưỡng
Nhiều chuyên gia sức khỏe tỏ ra lo ngại trước dự án bữa ăn miễn phí của chính phủ, giữa lúc nguồn cung sữa trong nước không đáp ứng kịp nhu cầu. Dữ liệu chính thức cho thấy: hoạt động thu hoạch, cung ứng sữa tươi nội địa hiện chỉ đáp ứng 22,7% nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Phần lớn người dân Indonesia phải mua sữa nhập khẩu.
|
Sữa cá được quảng bá “chứa các axit amin thiết yếu, Omega-3 và Omega-6” hỗ trợ trẻ phát triển trí não, tăng cường sự tập trung. (Ảnh: CNA) |
Thế nhưng, sữa cá liệu có phải chọn lựa phù hợp nhất lúc này? Một số nhà phê bình chỉ trích rằng sữa cá chứa lượng đường cao. Những nhà nghiên cứu cũng chưa có đủ bằng chứng khoa học khẳng định lợi ích sức khỏe khi trẻ nhỏ dùng loạt sữa bột này lâu dài.
Bà Fitri Hudayan - một chuyên gia dinh dưỡng đang công tác tại Jakarta - nhấn mạnh: “Cũng không ai chắc chắn sữa cá không tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng cho trẻ”.
Một khuyết điểm khác ở sữa cá là mùi vị nồng, kết cấu quá lỏng không mấy hấp dẫn thị giác lẫn vị giác.
Tuy vậy, giới doanh nghiệp và đại diện chính phủ Indonesia vẫn tích cực ủng hộ sữa cá vì loạt lợi điểm: tiết kiệm chi phí sản xuất, tiện lợi (khai thác nguồn cung thủy sản phong phú sẵn có), cũng như thân thiện hơn với môi trường.
“Chúng tôi đang nỗ lực thuyết phục người dân hiểu về tầm quan trọng của dự án bữa ăn miễn phí” - Bộ trưởng Bộ Truyền thông Indonesia, ông Budi Arie Setiadi chia sẻ. Theo số liệu ghi nhận năm 2022 của Liên Hiệp Quốc, hơn 20% trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi đang bị còi cọc, chậm phát triển.
Ông Budi nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ dùng mọi nguồn lực, phương tiện có thể để mỗi người thấu hiểu về việc cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho trẻ em”.
Theo phụ nữ TPHCM