Indonesia ghi nhận ít nhất 536 trường hợp thai phụ tử vong vì COVID-19

Afrizal và Iftiyah là bạn thân thời trung học. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Gajah Mada ở Yogyakarta, cả hai đã kết hôn vào năm 2019 và mơ về một tương lai tươi sáng khi Afrizal có được một công việc ổn định trong ngành năng lượng.

Sau cưới, cặp đôi đã chuyển đến Bekasi -  một thành phố ở Tây Java, nằm bên ngoài thủ đô Jakarta của Indonesia. Và cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đang diễn ra tốt đẹp, nhất là khi cả hai đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng dự kiến sẽ ra đời trong năm nay, thì Afrizal, 27 tuổi phải đối mặt với một ngã rẽ đau buồn của số phận.

Iftiyah, vì muốn sinh con ở quê nhà, đã đến Yogyakarta trước kỳ nghỉ Idul Fitri vào tháng 5 để ở với bố mẹ. Afrizal cũng đi cùng vợ.

Đến đầu tháng 6, cả hai vợ chồng đều có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Afrizal hầu như không xuất hiện các triệu chứng và hồi phục sau khi tự cách ly trong 10 ngày. Nhưng Ifityah, khi đó đang mang thai được 30 tuần, đã bị sốt kéo dài và sau đó bị khó thở.

Do nguồn lực y tế địa phương hạn chế, cô đã được điều trị tại ba bệnh viện khác nhau. Các bác sĩ ở bệnh viện cuối cùng đã quyết định cho Ifityah, 25 tuổi, sinh mổ vào ngày 11/7.

Sau sinh, Ifityah cũng hồi phục sức khỏe dần và đã có thể giao tiếp với chồng.

“Ban đầu, tôi đã không nghĩ rằng vợ mình có thể vượt qua, nhưng cô ấy đã sống sót. Tuy nhiên, đến 2g chiều ngày 22/7 thì nhân viên bệnh viện gọi điện thoại cho tôi. Cảm thấy có điều gì đó không ổn, tôi chạy ngay đến bệnh viện. Khi đến nơi, tôi được báo rằng vợ mình đang bị suy hô hấp nặng và tim đã ngừng đập, mặc dù đã được cấp cứu bằng cách sốc tim 2 lần”, Afrizal kể lại.

Theo các chuyên gia, Ifityah chỉ là một trong số nhiều trường hợp phụ nữ đang mai thai hoặc vừa mới sinh con ở Indonesia tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, khi nước này phải vật lộn để ngăn chặn đợt bùng phát dịch nghiêm trọng lần thứ hai.

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Indonesia (POGI), đã có ít nhất 536 trường hợp thai phụ tử vong vì COVID-19 được ghi nhận ở Indonesia kể từ khi đại dịch bắt đầu, chiếm khoảng 18% số ca tử vong ở phụ nữ mang thai của nước này.

“Indonesia đang đối mặt với một đợt lây nhiễm với tốc độ rất nhanh do biến thể Delta, trong khi phụ nữ đang mang thai lại là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh khá cao”, bác sĩ Ari Kusuma Januarto - người đứng đầu POGI - giải thích và cho biết từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, khoảng 15.000 phụ nữ đang mang thai ở Jakarta đã được làm xét nghiệm COVID-19, và 1.600 trong số này có kết quả dương tính.

Bác sĩ Januarto cũng cho biết thêm, cứ 9 thai phụ bị nhiễm COVID-19 ở Indonesia thì có 1 người bị các triệu chứng nghiêm trọng.

Đối với một số phụ nữ đang mang thai, cảm giác lo lắng và tuyệt vọng có thể trở nên trầm trọng hơn khi đại dịch kéo dài.

Jakartan Dita - một phụ nữ 37 tuổi đang mang thai ở chu kỳ thứ hai - cho biết 11 người trong gia đình của cô đã bị nhiễm COVID-19 vào đầu tháng 7 - mặc dù họ sống ở những nơi khác nhau, trong đó có Jakarta, Bekasi, Banyumas, Trung Java - và điều đó khiến cô cảm thấy rất căng thẳng.

“Tôi cảm thấy rất lo lắng và đau buồn vì đã có nhiều người thân bị nhiễm COVID-19 và qua đời. Tôi cũng cảm thấy tức giận vì vẫn còn nhiều người thiếu hiểu biết, họ không tin có COVID-19 và không muốn tiêm ngừa”, Dita chia sẻ với CNA.

Dita kể thêm rằng một người quen của cô đang mang thai được bảy tháng với ba em bé đã bị nhiễm COVID-19 và thiệt mạng cả mẹ lẫn con.

“Tôi ngày càng cảm thấy sợ hãi. Trong thời gian đầu tôi mang thai, COVID-19 chưa hoành hành như bây giờ. Nhưng nay, khi tôi bước vào giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, số ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng lại bắt đầu tăng mạnh cùng với sự xuất hiện thêm nhiều biến thể nguy hiểm”, Dita nói.

Theo Project HOPE - một tổ chức y tế và nhân đạo - số ca tử vong là thai phụ ở các vùng của Indonesia chỉ riêng trong tháng 6 và 7 năm nay đã vượt qua tổng số trường hợp tương tự của cả năm ngoái.

 “Đây là một thực tế rất đáng lo ngại và là một lời cảnh báo rằng Indonesia không nên xem nhẹ các biện pháp kiểm soát và phòng chống dịch khi số ca nhiễm COVID-19 mới giảm xuống. Thêm vào đó, nhiều phụ nữ mang thai ở Indonesia cũng đang bị suy dinh dưỡng và thiếu máu mãn tính, khiến họ có nguy cơ tử vong cao hơn khi bị nhiễm”, Edhie Rahmat - Giám đốc điều hành của Project HOPE tại Indonesia - lên tiếng.

Bác sĩ Januarto của POGI cũng lưu ý rằng 40% thai phụ ở Indonesia hiện đang mắc chứng thiếu máu, 21% bị béo phì, trong khi 15% bị cao huyết áp.

“Rõ ràng, tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến thai kỳ. Phụ nữ đang mang thai bị nhiễm COVID-19 sẽ có nguy cơ cao phải sinh non để cứu chính mình và thai nhi”, bác sĩ Januarto cho biết.

Bác sĩ Januarto hiện đang kêu gọi chính phủ Indonesia bổ sung thêm nhiều giường bệnh và bệnh viện dành riêng cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Ông cũng khuyên các cặp vợ chồng ở nước này tạm hoãn kế hoạch sinh con trong thời gian xảy ra đại dịch.

Trước đây, phụ nữ mang thai ở Indonesia không được phép tiêm chủng nhưng từ ngày 2/8, Bộ Y tế đã phê duyệt việc tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng này.

Tính đến ngày 14/8, Indonesia đã ghi nhận hơn 115.000 ca tử vong do COVID-19 trong số hơn 3,8 triệu ca nhiễm.

Theo phunuonline