Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ em không ăn diện hay khoe khoang trên mạng xã hội. Cô ấy giản dị và thực lòng. Đó là điều em thích nhất ở vợ. Ngược lại, chị Hai - chị ruột em - lại nghiện sống ảo. Bất kỳ chuyện gì lớn nhỏ trong nhà, chị Hai đều chụp hình long lanh đăng lên mạng.

Anh chị em, con cháu trong gia đình biết cái “bệnh” này, chứ người ngoài không biết, nhất là những người lần đầu mới gặp, đều không tiếc lời khen chị Hai. Nào là tươi tắn rạng rỡ, nào là giỏi giang, nào là chăm sóc ông bà hiếu thảo cha mẹ…

Sự thật thì nếu chị Hai nấu chén xúp cho ông bà; khi nấu trên bếp, chị sẽ chụp 4, 5 tấm hình; lúc dọn lên, chụp 4, 5 tấm nữa; lúc ông bà ngồi ăn, chụp thêm một mớ. 1 tháng chị về nhà được 2, 3 lần, lần nào cũng đăng hình, cũng được bà con khen nức nở. Còn hai mươi mấy ngày trong tháng là phần của vợ em, từ ăn uống đến giặt giũ, khám bệnh, thuốc men, một mình vợ em lặng lẽ lo hết.

Em biết vợ xuất thân từ gia đình nền nếp, ông bà nhạc vốn dạy con khiêm nhường, la rầy mọi sự khoe mẽ. Em cũng nghĩ vợ em không cần những lời khen ngợi ảo kiểu như chị Hai. Nhưng rồi gần đây, em thấy mỗi lần chị Hai về nhà, vô bếp chộn rộn nấu nướng gì đó là vợ em tỏ ra khó chịu.

Chị Hai ra vườn vợ cũng khó chịu (vì vườn có mấy chậu bông vợ em trồng). Hôm rồi vợ em nấu bún bò, chị Hai ăn khen ngon quá, lấy điện thoại ra tính chụp hình, vợ em hất đi, nói không cần sống ảo, không cần ai khen. Vậy là mấy nay chị em giận nhau.

Em nói vợ đừng bực chi cái tật sống ảo của chị Hai, mỗi người mỗi tính. Vợ bảo 1 người làm 1 người khoe, người ta khen chị ấy thôi chứ ai biết mình làm cực nhọc. Em nghe có chút bực bội, ganh tị gì đó. Vụ này đang có vẻ tiếp tục xấu đi, em không biết làm sao để xử lý, xin chị cho em lời khuyên.

Văn Mạnh (Trà Vinh)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Bạn Văn Mạnh thân mến, 

Con người nhìn chung là thích được khen, đặc biệt phụ nữ lại càng thích được khen. Các nhà khoa học đã chỉ ra, một khi nhu cầu vật chất cơ bản được đáp ứng đủ, con người bắt đầu theo đuổi nhu cầu tinh thần, cao hơn.

Khi được yêu thương, tôn trọng, khen ngợi, cái “tôi” của người ta được thỏa mãn, cảm giác về giá trị của bản thân tăng lên. Vậy nên dù ở dạng này hay dạng khác, con người vẫn luôn đi tìm kiếm lời khen, tìm kiếm sự công nhận.

Điều này vừa tốt vừa xấu. Trường hợp chị Hai của bạn là đang “ghiền” cảm giác vui vẻ, hạnh phúc khi được khen, lâu dần thành phụ thuộc vào đánh giá từ bên ngoài, liên tục cần thêm lời khen mới.   

Nhưng trường hợp của vợ bạn cũng không hẳn là tốt hoàn toàn. Vợ bạn có thể dùng lý trí để tự nhắc mình không cần lời khen, nhưng nếu xung quanh người khác lời khen bay chấp chới còn chỗ vợ thì im lìm, thiếu vắng hẳn lời khen thì lâu dài sẽ sinh chuyện.

Để tháo gỡ, chỉ cần bạn khen vợ, dù là trong thời gian đầu cô ấy sẽ gạt đi, coi như không cần. Bạn cũng không cần lên mạng xã hội đăng hình vợ rồi khen vợ công khai đâu. Cứ khen vợ một cách chân thành, 1 việc nhỏ thôi cũng xứng đáng, 1 lời cảm ơn, 1 lời khen nhẹ nhàng chỉ 2 người nghe với nhau cũng đáng giá.

Bản thân sự khiêm nhường của cô ấy chẳng hạn, đó là một tập tính xã hội, cần được chăm sóc, duy trì và… khen ngợi, phải không nào. Không cần “đu trend” mạng xã hội mới được khen. Việc vợ mình toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, không bắt trend cũng đã là một điều thú vị đáng khen lắm rồi.

Đàn bà yêu bằng tai, nhưng cái tai của đàn bà biết lọc lời khen nịnh, lời khen giả và lời khen chân thành, thật lòng. Chắc chắn vợ bạn không muốn những lời khen theo kiểu của chị Hai. Bạn cần để tâm tìm lời khen nào phù hợp với vợ, để vợ vui hơn và hạnh phúc hơn. Khi đó, cô ấy sẽ rộng lượng bỏ qua chuyện chụp hình sống ảo của người khác.

Chúc bạn khen vợ thành công nhé.

Theo phụ nữ TPHCM