Bác sĩ y học cổ truyền đang thăm khám cho người bệnh - ẢNH: BVCC
Khả năng người bệnh đó đang bị bệnh “COVID kéo dài” (Long COVID). Đây là một bệnh cảnh mới rất đáng lo ngại, ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ của người mắc cả về thể chất lẫn tâm thần.
Thời gian hồi phục sau nhiễm Covid-19 đối với mỗi người bệnh là khác nhau. Nhiều người cảm thấy tốt hơn trong vài ngày hoặc vài tuần và hầu hết sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 12 tuần. Nhưng đối với một số người, các triệu chứng có thể kéo dài hơn. Khả năng xuất hiện các triệu chứng kéo dài không liên quan đến mức độ bệnh khi nhiễm siêu vi SAR-CoV2, cụ thể nhiều người bệnh COVID nhẹ vẫn có thể gặp vấn đề lâu dài sau hồi phục COVID-19.
Theo thống kê trên thế giới, khoảng 1/4 số người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất một tháng, 1/10 trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, và đặc biệt có một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược. Các triệu chứng COVID kéo dài sau khi khỏi bệnh thường gặp bao gồm:
- Ho kéo dài: ho khan hoặc ho có đàm, cảm giác vướng đàm ở họng,…
- Đau họng, khô họng, như có dị vật ở họng, nuốt vào không trôi mà khạc không ra.
- Thay đổi khứu giác hoặc vị giác: giảm cảm giác khi ăn uống, dẫn đến không muốn ăn, suy dinh dưỡng.
- Mệt mỏi, cơ thể cảm giác không có năng lượng sống, cảm giác “hết pin”.
- Khó thở với nhiều mức độ như cảm giác hụt hơi, hít vô không sâu, khó thở khi làm việc nhà hoặc tập thể dục,…
- Các vấn đề với trí nhớ và tập trung ("sương mù não" - "brain fog"): giảm trí nhớ, không tập trung được lâu, dễ xao nhãng trong công việc và sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày.
- Mất ngủ với nhiều mức độ và biểu hiện như khó vào giấc, trằn trọc, giật mình khi ngủ, mơ nhiều, thứ dậy sớm không ngủ lại được; và các suy yếu ban ngày như ngủ dậy không có sức, không tập trung,…
- Đau đầu: đau âm ỉ hoặc đau căng, đau nặng nề,…cả vùng đầu hoặc khu trú, cục bộ.
- Đau ngực hoặc tức ngực
- Tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực
- Chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế hoặc liên tục, có thể kèm cảm giác buồn nôn, nôn.
- Cảm giác châm chích cơ thể
- Đau nhức các khớp
- Trầm cảm và lo âu
- Ù tai, đau tai
- Các rối loạn tiêu hóa như: cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn
- Rối loạn thân nhiệt: cảm giác ớn lạnh hoặc tăng nhiệt độ nhưng khi đo nhiệt kế thì nhiệt độ bình thường
- Phát ban da
PGS.TS.BS Trịnh Thị Diệu Thường
Bệnh cảnh COVID kéo dài có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia hoạt động xã hội của người bệnh, gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Tiếp cận điều trị COVID kéo dài sau khi khỏi bệnh hiện nay theo quan điểm y học hiện đại đa phần cơ chế triệu chứng vẫn chưa rõ. Sự cần thiết của các phương pháp tiếp cận đa chuyên khoa, đa lĩnh vực để đánh giá và quản lý là rất cần thiết.
Theo quan điểm của Y học cổ truyền, cơ thể sau nhiễm Covid-19 sẽ xuất hiện tổn thương Tinh, Khí, Huyết, Thần, Tân dịch,… từ đó dẫn đến rối loạn chức năng của các tạng phủ (Phế, Đại trường, Tỳ, Vị, Tâm, Can,…) và các bộ phận của cơ thể như bì mao, cốt tiết, cơ nhục,... Đây là nguyên nhân phát sinh các biểu hiện lâm sàng kể trên.
Y học cổ truyền với quan điểm tiếp cận điều trị chính yếu là tập trung bồi bổ sự thiếu hụt của Tinh, Khí, Huyết, Thần, Tân dịch; giúp phục hồi chức năng các tạng phủ, lập lại sự quân bình Hàn Nhiệt, Âm Dương của cơ thể. Các phương pháp điều trị kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại có thể sử dụng đem lại hiệu quả cho bệnh nhân bao gồm:
- Sử dụng thuốc đông y: bao gồm thuốc thang, hoặc thuốc thành phẩm với các dạng bào chế hiện đại
- Các hình thức châm cứu: điện châm, nhĩ châm, cấy chỉ, cứu, chườm… tùy tình trạng bệnh nhân
- Xoa bóp bấm huyệt
- Hướng dẫn các bài tập dưỡng sinh: tập thở, tập vận động phù hợp từng người bệnh
- Vật lý trị liệu
- Thực dưỡng: được hướng dẫn/chế biến các món ăn bài thuốc giúp bồi bổ, phục hồi sức khỏe sau nhiễm COVID-19 phù hợp với cá nhân từng người.
Theo thanhnien