leftcenterrightdel
 Nữ giới có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nam giới. Ảnh:Tatlerasia.
 

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), trung bình cứ 8 phụ nữ thì có một người mắc ung thư vú. Năm 2021, khoảng 281.550 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú xâm lấn. Con số này ở nam giới là khoảng 2.650 ca.

Phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ thuộc sắc tộc khác. Trong khi đó, nếu mắc bệnh, phụ nữ da đen có khả năng phát triển thành khối u ác tính và nguy cơ tử vong cao hơn.

ACS cho biết ung thư vú ở nam giới da trắng ít phổ biến hơn 100 lần so với nữ giới da trắng. Các chuyên gia cũng lưu ý nam giới da đen có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn so với nam giới thuộc các sắc tộc còn lại.

Nguy cơ ung thư vú ở nữ cao hơn

Do sự phát triển vú tự nhiên ở hai giới

Ung thư vú bắt đầu trong ống dẫn sữa và tiểu thùy, nơi chứa các tuyến sản xuất sữa. Đến tuổi dậy thì, mô vú của cả nam và nữ bao gồm một vài ống dẫn sữa dưới núm vú, quầng vú.

Ở tuổi dậy thì, giới nữ phát triển lượng hormone nhất định khiến các ống dẫn này phát triển và hình thành các thùy. Nam giới có lượng hormone này thấp nên mô vú không phát triển nhiều. Ngực của nam giới có các ống dẫn nhưng chúng chỉ có một số tiểu thùy, chủ yếu bao gồm các mô mỡ.

leftcenterrightdel
Do sự khác biệt trong việc phát triển vú và mức độ estrogen, nguy cơ mắc ung thư vú ở nữ giới cao hơn nam giới. Ảnh:Medical Dialogues.  

Do mức độ estrogen

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra càng nhiều tế bào phân chia, càng có nhiều nguy cơ gây ung thư. Các tế bào vú phát triển và phân chia như một phản ứng với hormone estrogen, loại hormone được sản xuất nhiều ở nữ giới.

Các tế bào vú của phụ nữ hoạt động mạnh, dễ tiếp nhận estrogen, trong khi các tế bào vú ở nam giới không hoạt động, không tiếp xúc với nồng độ estrogen cao.

Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú ở hai giới

Nguy cơ gây ung thư vú ở nam giới có thể đến từ:

  • Hội chứng Klinefelter: Nam giới mắc hội chứng này có nồng độ estrogen cao hơn mức bình thường, từ đó dẫn đến sự phát triển của mô vú. Hội chứng này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú từ 20 đến 60 lần.
  • Đột biến gene: Đột biến gene CHEK2, PTEN và PALB2 có thể dẫn đến ung thư vú ở nam giới.
  • Các tình trạng tinh hoàn: Bao gồm tinh hoàn ẩn, phẫu thuật cắt bỏ một toàn bộ tinh hoàn, hoặc đã từng mắc bệnh quai bị khi ở tuổi trưởng thành. Bệnh quai bị có thể dẫn đến giảm kích thước của tinh hoàn.

Nguy cơ rủi ro gây ung thư vú ở nữ giới bao gồm:

  • Kinh nguyệt: Theo Tổ chức Ung thư Vú Quốc gia Mỹ, bắt đầu có kinh nguyệt trước 12 tuổi và bắt đầu mãn kinh sau 55 tuổi là những nguy cơ gây ra ung thư vú.
  • Sinh sản: Sinh con lần đầu khi lớn tuổi hoặc chưa bao giờ sinh con.
  • Mô vú dày đặc: Mô vú của phụ nữ có xu hướng dày đặc hơn vì vậy khối u có thể khó phát hiện hơn.

Các yếu tố rủi ro chung ở cả hai giới:

  • Tuổi tác: Theo ACS, nguy cơ bị ung thư vú tăng theo tuổi tác. Ở phụ nữ, độ tuổi thường được phát hiện và chẩn đoán mắc ung thư vú là 62 tuổi. Ở nam giới, việc phát hiện, chẩn đoán thường muộn hơn, trung bình ở 72 tuổi.
  • Di truyền học: Các đột biến gene di truyền cũng là yếu tố có thể gây ra ung thư vú ở cả hai giới. Theo ACS, nam giới có gene BRCA2 có rủi ro mắc ung thư vú trong đời khoảng 0,06%; có gene BRCA1 là 0,01%. Phụ nữ có gene BRCA1 hoặc BRCA2 có 0,7% nguy cơ mắc ung thư vú ở tuổi 80.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư vú: Khoảng 1/5 nam giới bị ung thư vú có người thân từng mắc bệnh. Phụ nữ có một người thân bị ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1,5 lần so với bình thường. Đối với phụ nữ có nhiều hơn một người thân bị ung thư vú, tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác gây ung thư vú, bao gồm béo phì, hút thuốc, uống rượu, không hoạt động thể chất, từng tiếp xúc với bức xạ...

leftcenterrightdel
Ở nam giới, khối u ở vú có thể do mô vú của nam giới phì đại, gọi là u mỡ hoặc u nang. Ảnh:Thebigland.  

Các triệu chứng nhận biết ung thư vú

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết mỗi người có thể gặp triệu chứng khác nhau, một số người không có bất kỳ triệu chứng nào.

Các triệu chứng ung thư vú thường bao gồm một hoặc nhiều cục u ở vùng vú hay dưới nách. Những khối u này thường có những đặc điểm như: Xảy ra ở một bên vú, xuất hiện bên dưới hoặc xung quanh núm vú, cảm thấy cứng, cảm thấy gập ghềnh, phát triển kích cỡ theo thời gian

Một số triệu chứng khác gồm chảy dịch từ núm vú, có vết lõm trên da, da phát ban, đóng vảy hoặc bong vảy và ngứa xung quanh núm vú, đầu vú thay đổi, lõm vào trong, vùng da xung quanh trở nên cứng hoặc dày lên.

Ở nam giới, khối u ở vú có thể do mô vú của nam giới phì đại, gọi là u mỡ hoặc u nang. Ở nữ giới, khối u do sự phát triển của mô được gọi là u xơ tuyến hoặc u nang.

Phương pháp điều trị

Các bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị giống nhau cho ung thư vú ở nam và nữ, bao gồm:

  1. Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ vú
  2. Hóa trị
  3. Liệu pháp hormone
  4. Xạ trị
  5. Điều trị kết hợp

Cách phòng ngừa, kiểm tra ung thư vú ở hai giới

Chúng ta có những cách sau để chủ động trong việc giảm khả năng mắc bệnh:

  • Kiểm tra ngực, vùng dưới cánh tay trong gương thường xuyên để kịp thời phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào về màu sắc, hình dáng hay sự xuất hiện của khối u.
  • Kiểm tra núm ngực xem có tiết dịch không.
  • Ở trạng thái nằm, kiểm tra hai bên ngực bằng các ngón tay. Ấn, chuyển động tròn trên toàn bộ ngực và vùng nách để tìm khối u.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú nên đi xét nghiệm di truyền.
  • Tập thể dục để giữ gìn sức khỏe và duy trì cân nặng vừa phải, chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau quả.

Ung thư vú có thể phát triển ở nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, do sự khác biệt trong sự phát triển của vú và sự tiếp xúc với estrogen, bệnh này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Cả hai giới, ngoài những điểm khác biệt tự nhiên, có cùng một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư vú.

Chúng ta nên liên hệ với bác sĩ, đi thăm khám sớm nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng, hiện tượng lạ nào xảy ra ở vùng ngực để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

Theo zingnews