1. Thời tiết nồm ẩm ảnh hưởng đến xương khớp như thế nào?
Một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy những người bị viêm khớp có thể nhạy cảm với sự thay đổi của áp suất khí quyển, nhất là khi thời tiết chuyển sang mùa ẩm ướt như hiện nay.
Thực tế khi lớp sụn bao phủ xương bên trong khớp bị bào mòn, các dây thần kinh trong xương có thể cảm nhận được những thay đổi của áp suất. Khi áp suất khí quyển thay đổi có thể khiến cho gân, cơ và các mô sẹo bị giãn ra và co lại, dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp.
Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp cũng làm cho chất lỏng bên trong khớp trở nên dày hơn, gây ra khô cứng khớp và làm gia tăng chứng đau khớp.
Thời tiết nồm ẩm làm trầm trọng hơn các triệu chứng của viêm khớp
Ngoài ra, tình trạng nắng mưa thất thường, nhất là thời tiết ẩm ướt và trở lạnh khiến cho các khớp bị cứng và đau hơn. Rất nhiều người bị viêm khớp đã cảm nhận được các triệu chứng đau nhức này xảy ra trước hoặc trong những ngày mưa. Thông thường, áp suất giảm xuống trước khi thời tiết mưa hoặc trở lạnh làm cho các mô bị viêm mở rộng ra và khiến cơn đau tăng lên.
Mặc dù thời tiết lạnh và nồm ẩm không phải là nguyên nhân gây ra viêm khớp hoặc làm cho bệnh trở nên nặng hơn, tuy nhiên chúng có thể làm tăng cơn đau nhức khớp tạm thời. Khi thời tiết có tín hiệu ấm và khô hơn thì người bệnh mới cảm thấy dễ chịu và không bị giày vò bởi những cơn đau nhức xương khớp.
2. Ai có nguy cơ cao bị viêm đau nhức khớp?
Thực tế, bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm khớp. Tuy nhiên nguy cơ thường tăng theo độ tuổi. Mặt khác, viêm khớp cũng có xu hướng di truyền trong gia đình.
Ngoài ra, những người bị chấn thương ở khớp; Viêm khớp mạn; Người mắc bệnh béo phì sẽ có nguy cơ mắc viêm xương khớp cao hơn so với những người khác; Viêm khớp dạng thấp thường phát triển với tỷ lệ cao hơn ở nữ giới.
Nên tập yoga nhẹ nhàng để làm giảm đau khớp.
3. Cách khắc phục đau nhức xương khớp khi thời tiết nồm ẩm
Nắm được nguyên nhân đau nhức xương khớp trở nặng khi thời tiết nồm ẩm, người bệnh cần chủ động phòng ngừa sớm và khắc phục bằng cách:
- Chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là người cao tuổi: Cần ăn mặc đảm bảo giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là phần cổ, chân, tay... Thường xuyên duy trì vận động khớp ở mức độ hợp lý vừa giúp giữ ấm cơ thể, vừa giúp khí huyết lưu thông nhằm hạn chế đau nhức xương khớp.
- Làm giảm không khí nồm ẩm trong nhà: Nên đóng kín cửa không cho không khí ẩm đi vào nhà; Vệ sinh nhà cửa bằng loại chất liệu dễ thấm nước; Sẽ rất hiệu quả nếu có thể sử dụng máy hút ẩm hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm thiểu độ ẩm ướt của các căn phòng cũng góp phần làm giảm các cơn đau nhức xương khớp.
- Nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý: Uống đủ nước; Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất là điều cần thiết giúp cho hệ xương khớp khỏe mạnh. Nên bổ sung glycosaminoglycans, glucosamine, vitamin D, canxi… thường xuyên giúp cho quá trình tái cấu trúc sụn khớp thì tình trạng đau khớp, viêm khớp mới được hạn chế. Ngoài ra, một số loại thảo dược: húng quế, húng tây, quế, bạc hà, mùi tây, đinh hương… cũng có tác dụng chống lại những phản ứng có hại với hệ xương khớp do thời tiết nồm ẩm gây ra.
- Có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau: thuốc chống viêm không steroid (NSAID) theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nên duy trì các hoạt động thể chất và cân bằng trọng lượng của cơ thể. Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng tốt cho khớp: bơi lội hoặc yoga… sẽ giúp cho cơ thể tăng cường được sức mạnh của cơ bắp và xương khớp.
- Tuyệt đối không nên tạo áp lực lớn cho các khớp. Hãy nhờ sự giúp đỡ của người khác khi cần nâng hoặc vác các vật nặng.
Theo phụ nữ TPHCM