1. Triệu chứng HPV
Các triệu chứng của HPV có thể xuất hiện nhiều năm sau lần nhiễm đầu tiên. Mụn cóc là một triệu chứng phổ biến. Một số loại virus gây ra mụn cóc, trong khi những loại khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
- Mụn cóc sinh dục: Xuất hiện dưới da vết sưng nhỏ không đau, một cụm vết sưng hoặc phần nhô ra giống như thân cây.
Những mụn cóc này có thể có kích thước và hình dạng khác nhau, và chúng có thể lớn hay nhỏ, phẳng hoặc hình súp lơ, trắng, hồng, đỏ, nâu tía hoặc màu da và hình thành ở âm hộ, cổ tử cung, dương vật hoặc bìu, hậu môn, vùng háng. Những mụn cóc này gây ngứa, rát và nhiều khó chịu khác.
- Các loại mụn cóc khác: HPV cũng gây ra mụn cóc thông thường, mụn cóc ở lòng bàn chân và mụn cóc phẳng. Mụn cóc thông thường là những vết sần sùi, nổi lên có xu hướng hình thành trên bàn tay, ngón tay và khuỷu tay.
Mụn cóc lòng bàn chân là những khối u cứng, sần sùi thường hình thành trên bàn chân, thường là ở gót chân hoặc mu bàn chân. Trong khi đó, mụn cóc phẳng là những tổn thương có bề mặt phẳng, hơi gồ lên, sẫm màu hơn vùng da xung quanh và thường xuất hiện trên mặt hoặc cổ.
2. Nguyên nhân và chẩn đoán
HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên toàn cầu.
HPV là một loại virus lây truyền qua tiếp xúc da kề da, thường là quan hệ tình dục. Nhiễm trùng có thể phát triển ở bất cứ người nào có hoạt động tình dục. Bệnh có thể không có triệu chứng, hoặc các triệu chứng xuất hiện rồi biến mất. HPV có thể truyền từ người này sang người khác bất kể có triệu chứng hay không.
Các chủng HPV gây ra mụn cóc khác với các chủng làm tăng nguy cơ ung thư.
HPV có thể truyền sang trẻ sơ sinh trong khi sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nguy cơ này tương đối thấp, vì hệ thống miễn dịch thường xử lý nhiễm trùng trong tình huống này. Dấu hiệu nhiễm trùng HPV ở trẻ sơ sinh bao gồm mụn cóc sinh dục hoặc tổn thương trong miệng.
Nếu trẻ nhỏ xuất hiện các triệu chứng của virus HPV, thì đó có thể là dấu hiệu của lạm dụng tình dục trẻ em.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV bao gồm có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với một người đã có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp bảo vệ hàng rào, chẳng hạn như bao cao su, bao cao su cho miệng; có những vùng da bị rách, xước hoặc bị tổn thương, tiếp xúc với mụn cóc hoặc bề mặt nơi đã xảy ra phơi nhiễm HPV, không tiêm phòng HPV.
Nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nếu bị nhiễm virus HPV và bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác như Chlamydia, sinh con đầu lòng khi còn rất trẻ, đã sinh nhiều con, hút thuốc lá, hệ thống miễn dịch suy yếu.
Nếu có thể nhìn thấy mụn cóc hoặc tổn thương, bác sĩ thường có thể chẩn đoán HPV bằng cách kiểm tra trực quan. Ngoài ra, các xét nghiệm có thể xác nhận sự hiện diện của virus.
3. HPV dẫn đến ung thư như thế nào?
Hầu hết những người bị nhiễm virus HPV không phát triển ung thư, nhưng việc nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ, đặc biệt là ở những người có hệ thống miễn dịch yếu.
Một chủng HPV nguy cơ cao có thể thay đổi cách các tế bào giao tiếp với nhau và điều này có thể khiến chúng phát triển một cách không kiểm soát.
Ở nhiều người, hệ thống miễn dịch đánh bại các tế bào không mong muốn. Tuy nhiên, nếu hệ thống miễn dịch không thể làm điều này, các tế bào có thể ở lại trong cơ thể và tiếp tục phát triển. Trong thời gian, điều này có thể dẫn đến ung thư.
Nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, hầu họng, bao gồm gốc lưỡi và amidan.
Kiểm tra định kỳ có thể dẫn đến chẩn đoán sớm và được điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa ung thư lan rộng.
4. Phương pháp điều trị
Quá trình điều trị tốt nhất sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người đó. Không có cách nào để chữa khỏi virus HPV, để loại bỏ virus khỏi cơ thể. Tuy nhiên, có nhiều bước thực hiện khác nhau để loại bỏ mụn cóc mà HPV có thể gây ra.
Mụn cóc thông thường
Các sản phẩm axit salicylic không kê đơn có thể điều trị mụn cóc thông thường. Tuy nhiên, không sử dụng các sản phẩm này trên mụn cóc ở vùng sinh dục. Bác sĩ có thể kê đơn để điều trị mụn cóc thông thường. Ngoài ra, nếu thấy cần thiết bác sĩ sẽ can thiệp phẫu thuật.
Mụn cóc sinh dục
- Liệu pháp áp lạnh: Sử dụng nitơ lỏng để đông lạnh mụn cóc.
- Đốt điện: Sử dụng dòng điện để đốt cháy mụn cóc.
- Liệu pháp laser: Sử dụng ánh sáng cường độ cao để tiêu diệt mụn cóc và các tế bào bất thường.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ mụn cóc.
Lựa chọn tốt nhất sẽ phụ thuộc vào loại và vị trí của mụn cóc. Các phương pháp điều trị có thể loại bỏ mụn cóc, nhưng virus sẽ tồn tại trong cơ thể và vẫn có khả năng lây truyền.
5. Khi nào cần xét nghiệm HPV?
Lấy mẫu từ cổ tử cung để làm xét nghiệm Pap.
Xét nghiệm HPV ở phụ nữ là quan trọng và cần thiết, tùy thuộc vào lứa tuổi mà bác sĩ có thể chỉ định cho sử dụng 3 phương pháp. Các xét nghiệm đối với HPV hoặc các thay đổi liên quan đến tế bào cổ tử cung bao gồm:
- Xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung): thu thập và xét nghiệm các tế bào từ bề mặt cổ tử cung hoặc âm đạo. Nó có thể tiết lộ bất kỳ tế bào bất thường nào có thể dẫn đến ung thư.
- Xét nghiệm DNA có thể đánh giá các loại virus HPV có nguy cơ cao và bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm này cùng với phết tế bào cổ tử cung.
- Sinh thiết, bao gồm lấy một mẫu da bị ảnh hưởng, việc làm này cần thiết nếu xét nghiệm cho thấy những thay đổi bất thường của tế bào.
Hiện tại không có phương pháp sàng lọc định kỳ đối với HPV ở nam giới và phạm vi lựa chọn xét nghiệm còn hạn chế.
6. Phòng ngừa
Cách tốt nhất để phòng ngừa virus HPV là luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, nên quan hệ chung thủy một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục khi đang có mụn cóc.
Để giúp ngăn ngừa mụn cóc lây lan cần tránh chạm vào mụn cóc khi không cần thiết, rửa tay sau khi chạm vào mụn cóc, tránh dùng chung khăn tắm và các vật dụng cá nhân khác.
Tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tổn thương do nhiễm virus HPV hoặc phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung – dấu hiệu tiền ung thư. Nên tiêm vaccine phòng HPV cho nữ giới từ 9 - 26 tuổi để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và các dạng ung thư khác, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể tiêm loại vaccine này để phòng ngừa nguy cơ nhiễm HPV dẫn tới ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi, ung thư đường sinh dục nam giới.
Theo suckhoedoisong.vn