Nhưng khàn tiếng cũng có thể là biểu hiện cho những bệnh lý đặc biệt như liệt dây thần kinh thanh quản do virus, thậm chí do khối u ác tính của các cơ quan lân cận xâm lấn vào cấu trúc thanh quản.

Khàn tiếng không thể coi thường và có thể là biểu hiện của ung thư thực quản

Theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào- Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, tại phòng khám đã ghi nhận bệnh nhân mắc khàn tiếng đã lâu nhưng do chủ quan không đi khám. Chỉ khi thấy có các biểu hiện khàn tiếng ngày một nặng kèm theo khó nuốt thì bệnh ung thư thực quản đã ở giai đoạn muộn. "Chúng tôi đã phát hiện ra bệnh lý ung thư thực quản giai đoạn muộn ở một số bệnh nhân khi đi khám khàn tiếng. Họ rất ngạc nhiên và không hình dung được bệnh lại diễn biến như vậy", BS Đào nói.

Chia sẻ về vấn đề nhận biết sớm dấu hiệu khàn tiếng liên quan đến ung thư thực quản, BS Đào cho biết, biểu hiện thường gặp là bệnh nhân xuất hiện khàn tiếng rất nhiều tháng và đã đi khám cũng như uống thuốc nhưng mức độ khàn tiếng ngày càng tăng lên. Thăm khám các bộ phận của chuyên khoa Tai Mũi Họng đều không phát hiện các tổn thương bất thường ngoài hiện tượng dây thần kinh điều khiển vận động của dây thanh (nơi tạo tiếng thanh) một bên bị mất chức năng làm cho sụn phễu và dây thanh bên thần kinh tổn thương không khép vào được tạo khoảng trống ở khe thanh môn khi phát âm nên không tạo ra được tiếng thanh.

Đặc điểm của khàn tiếng do ung thư là giọng khàn nhưng hụt hơi, giọng khàn thở khá đặc trưng cho khàn tiếng do liệt hồi quy 1 bên, BS Đào giải thích thêm.

Khàn tiếng đi khám phát hiện ra ung thư thực quản - Ảnh 1.

Hình ảnh của người bệnh khàn tiếng đi khám phát hiện mắc ung thư thực quản.

Nguyên nhân của khàn tiếng do ung thư thực quản là do khối u xâm lấn vào các cấu trúc lân cận chèn ép hoặc làm tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây liệt dây thần kinh thanh quản và khàn tiếng xuất hiện. Tổn thương ngày càng phát triển thì mức độ khàn tăng dần mà không đáp ứng với bất kì loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nội khoa nào. Bên cạnh khàn tiếng người bệnh thường có biểu hiện ho dai dẳng. Ngoài khàn tiếng ra, có thể kèm thêm hiện tượng nấc và nuốt nghẹn.

Tuy nhiên do dấu hiệu khàn tiếng ít khi ảnh hưởng tới sinh hoạt và làm việc hàng ngày của người bệnh trừ những người phải sử dụng giọng nói trong nghề nghiệp như phát thanh viên, ca sĩ, giáo viên… nên vì vậy mà người bệnh thường đi khám muộn, lúc này khối u thường đã lan rộng, tiên lượng điều trị giảm 70-80%. "Vì vậy đừng chủ quan khi có biểu hiện khàn tiếng". BS Đào khuyến cáo.

Nguy cơ gây ung thư thực quản và dự phòng

Yếu tố gây bệnh chính xác của ung thư thực quản hiện nay chưa được xác định nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản. Cụ thể, các yếu tố như tuổi, giới tính, tính chất gia đình… Các ghi nhận cho thấy, ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi trên 60. Bệnh thường gặp ở nam hơn ở nữ và có tính chất gia đình tương đối cao. Trong phần lớn các kết quả nghiên cứu ghi nhận được nhiều bệnh nhân bị mắc ung thư thực quản là do tính chất gia đình, trong đó tỉ lệ mắc bệnh từ người bố là cao nhất.

Và điều cần lưu ý, người bệnh có nhiều thói quen không lành mạnh cũng là yếu tố nguy cơ rất cao trong đó có thể kể đến thói quen hút thuốc lá hoặc các chế phẩm có thuốc lá là nguy cơ chủ yếu gây ung thư thực quản. Những người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên có nguy cơ cao bị ung thư thực quản, nguy cơ này đặc biệt cao ở những người sử dụng cả rượu và thuốc lá. Các nhà khoa học tin rằng những chế phẩm này làm tăng các tác dụng có hại trong quá trình gây ung thư thực quản.

Vì vậy, việc hiểu về nguy cơ gây ung thư thực quản là bước đầu tiên để tiến đến dự phòng căn bệnh này. Tốt nhất cần bỏ hoặc không bao giờ hút thuốc lá và sử dụng các chế phẩm có thuốc lá, hạn chế uống rượu, thay đổi chế độ ăn tăng lượng rau và hoa quả ăn vào hàng ngày là bước quan trọng trong dự phòng nhiều bệnh nguy hại trong đó có ung thư thực quản.

Bên cạnh đó cần tập thể dục đều đặn hàng ngày sẽ giúp tăng cường sức khỏe và giúp phòng tránh mắc ung thư thực quản.

Thực quản là một ống tiêu hóa chứa thức ăn và các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày. Ung thư xuất phát từ thực quản bao gồm hai loại chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến tùy thuộc vào loại tế bào ung thư. Ung thư biểu mô vẩy xuất phát từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản và thường xuất phát ở phần trên và giữa thực quản. Ung thư biểu mô tuyến thường phát triển từ tổ chức tuyến ở phần dưới thực quản. Phác đồ điều trị gần giống nhau ở cả hai loại ung thư thực quản.

Khi khối u phát triển ra ngoài thực quản, đầu tiên nó thường đi đến hệ bạch huyết và cũng có thể xâm lấn ra hầu hết các bộ phận khác của cơ thể bao gồm: gan, phổi, não, xương…

Theo suckhoedoisong.vn