Nhóm tác giả khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), Bộ môn Nội tổng quát Đại học Y dược TP.HCM vừa có báo cáo khảo sát về thói quen ăn uống và sinh hoạt liên quan đến triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản tại Hội nghị khoa học tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29 diễn ra ở TP.HCM vào cuối tuần qua.
Theo nhóm tác giả, tính đến thời điểm hiện tại, trước khảo sát này thì chưa có nghiên cứu trên dân số Việt Nam về vấn đề trên.
Nhóm tác giả khảo sát với mục tiêu xác định các thói quen ăn uống và sinh hoạt liên quan đến triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản và các thói quen gây khởi phát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở người Việt Nam.
Theo đó, khảo sát bằng bộ câu hỏi được thực hiện trực tuyến trên internet và Facebook từ tháng 3.2023 đến tháng 5.2023. Đối tượng khảo sát hướng đến người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.
Khảo sát gồm 27 câu hỏi về nhân khẩu học, thói quen ăn uống và sinh hoạt, các loại đồ ăn, thức uống gây khởi phát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Kết quả, có 4.400 phản hồi hợp lệ, bao gồm 2.050 phản hồi từ những người tham gia không có các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản và 2.350 phản hồi từ những người tham gia có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga
Phân tích cho thấy những thói quen liên quan đến triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản bao gồm ăn quá no, mặc đồ chật, căng thẳng tâm lý và mất ngủ.
Liên quan đến các thói quen gây khởi phát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản là ăn quá no được ghi nhận là thường gặp nhất (64,6%). Mặc dù khoảng thời gian từ lúc ăn tối đến khi đi ngủ dưới 2 tiếng và thức khuya sau nửa đêm không phải là yếu tố nguy cơ, chúng là hai yếu tố thường gặp gây khởi phát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở người tham gia có triệu chứng, đặc biệt triệu chứng trào ngược về đêm.
Liên quan đến loại thức ăn gây khởi phát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, ba nhóm đồ ăn thường gặp nhất bao gồm thức ăn nhiều dầu mỡ (71,9%), thức ăn chua/cay (64,7%) và trái cây chua (36,0%).
Trong các nhóm đồ uống gây khởi phát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản thì nước ngọt có ga đứng đầu (40,3%), kế tiếp là bia (35,7%) và nước ép cam (30,6%).
Kết quả khảo sát này sẽ là nền tảng cho các nghiên cứu chuyên sâu về dự phòng ban đầu và điều trị không thuốc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở người Việt Nam.
Theo Thanh niên