Viêm khớp dạng thấp là bệnh rối loạn tự miễn do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô trong cơ thể. Viêm khớp dạng thấp thường gây sưng, đỏ, đau, xơ cứng khớp ở các khớp tay, khớp bàn chân, khớp gối và khớp lưng, gây biến dạng khớp… gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh không thể chữa hoàn toàn, tuy nhiên, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời, có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

photo-1657934086489

Viêm khớp dạng thấp có thể khiến xói mòn xương và biến dạng khớp… gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

1. Các thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Hiện tại, các loại thuốc dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp thường có tác dụng giảm đau và cứng khớp, bao gồm:

- Thuốc giảm đau chống viêm: Aspirin, ibuprofen hoặc naproxen...

- Thuốc corticosteroid: Prednisone...

- Thuốc chống suy khớp thay đổi bệnh: Methotrexate, leflunomide, sulfasalazine, hydroxychloroquine.

- Thuốc sinh học: Anti TNF, Anti-IL6, thuốc ức chế tế bào B, hoặc thuốc ức chế tế bào T.

Tùy thuộc vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân đung loại thuốc nào phù hợp.

2. Khi nào bệnh viêm khớp dạng thấp được gọi là thuyên giảm?

Cách tốt nhất để đạt được sự thuyên giảm trong viêm khớp dạng thấp là điều trị tích cực sớm. Việc phát hiện, điều trị sớm sẽ giúp khớp ít tổn thương hơn. Ngay sau khi kiểm soát được tình trạng viêm, có thể ngăn chặn những thay đổi trong khớp tiến triển.

Mục tiêu trong điều trị viêm khớp dạng thấp là duy trì sự thuyên giảm càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, thời gian tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh, thường có thể từ vài tuần đến hơn 12 tháng.

Các triệu chứng khi bệnh viêm khớp dạng thấp thuyên giảm bao gồm:

- Không có nhiều hơn một khớp bị mềm.

- Không có nhiều hơn một khớp bị sưng.

- Xét nghiệm máu cho thấy ít hoặc không có viêm.

- Người bệnh tự chấm điểm về hoạt động của bệnh: Bác sĩ chuyên khoa thấp khớp sẽ yêu cầu người bệnh mô tả cảm giác về bệnh viêm khớp dạng thấp của mình trên thang điểm từ 1 đến 10, trong đó 10 là khó chịu nhất. Nếu người bệnh chấm từ 2 trở lên, thì bệnh vẫn chưa đạt được sự thuyên giảm.

3. Có thể giảm thuốc khi bệnh thuyên giảm?

Khi bệnh thuyên giảm trong vòng ít nhất 6 tháng, người bệnh có thể:

- Giảm liều thuốc: Việc giảm liều thuốc trị viêm khớp dạng thấp khi đã thuyên giảm cần phải theo chỉ định của bác sĩ.

- Giảm một số loại thuốc: Thông thường, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp phải sử dụng hai hoặc ba loại thuốc. Do đó, khi bệnh đã thuyên giảm, người bệnh có thể giảm bớt một số loại thuốc.

Lưu ý, không được loại bỏ thuốc chống suy khớp điều chỉnh bệnh, chất sinh học hay chất ức chế janus kinase (JAK) mà cần duy trì hoặc chuyển sang thuốc chống suy khớp điều chỉnh bệnh khác.

Để xác định xem có thể giảm bớt thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp trong thời gian thuyên giảm hay không, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

photo-1657934089533
 

Có thể giảm liều thuốc trị viêm khớp dạng thấp khi bệnh đã thuyên giảm.

4. Duy trì tình trạng thuyên giảm thế nào?

Để duy trì sự thuyên giảm, người bệnh cần tuân thủ kế hoạch điều trị và dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài việc chẩn đoán và điều trị sớm bằng thuốc, việc đánh giá thường xuyên hoạt động của bệnh (thường là 3 tháng một lần) với việc điều chỉnh thuốc khi cần thiết có thể giúp hầu hết những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp đạt được sự thuyên giảm hoặc hoạt động bệnh thấp.

Ngoài ra, việc duy trì lối sống cũng đóng một vai trò nhất định trong việc thuyên giảm viêm khớp dạng thấp. Trong đó, cần thực hiện:

- Ngừng hút thuốc.

- Tập thể dục thường xuyên: Có thể đi bộ, đi xe đạp, bơi lội và Yoga… là những lựa chọn tốt giúp không gây căng thẳng cho khớp.

- Ăn uống lành mạnh: Các chuyên gia cho hay, một kế hoạch ăn uống, chẳng hạn như Chế độ ăn Địa Trung Hải, có thể giúp giảm viêm trong cơ thể của bạn, nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp: Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và chất béo lành mạnh như cá và dầu ô-liu.

- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Việc giữ cơ thể khỏe mạnh cũng giúp cho bệnh viêm khớp dạng thấp được kiểm soát.

- Có thể sử dụng chất bổ sung cũng có thể giúp giảm viêm, chẳng hạn như axit béo omega-3 liều cao hoặc nghệ. Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa thấp khớp.

5. Làm gì khi bệnh tái phát?

Đa số những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp đều sẽ tái phát sau một thời gian thuyên giảm. Điều này có thể xảy ra nếu người bệnh ngừng dùng thuốc chống suy khớp điều chỉnh bệnh, nhưng cũng có thể xảy ra do cơ thể người bệnh đã đề kháng với một loại thuốc đang sử dụng.

Do đó, nếu bị tái phát, người bệnh có thể cần phải chuyển sang một thuốc chống suy khớp điều chỉnh bệnh khác để kiểm soát được bệnh.

Nếu bệnh tái phát, hãy thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa thấp để được điều chỉnh thuốc nhằm giúp bệnh thuyên giảm.

Theo suckhoedoisong.vn