Đây là tình trạng các tế bào trong mô gan bị viêm khiến gan tổn thương. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm gan cấp kéo dài sẽ dẫn tới suy gan, xơ gan, ung thư gan… khiến quá trình điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém.
1. Viêm gan cấp do những nguyên nhân nào?
Viêm gan cấp là tình trạng các tế bào trong mô gan bị viêm khiến gan tổn thương. Đây là bệnh lý phát triển đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn dưới 6 tháng.
Trên thực tế, những tổn thương ở gan sẽ không gây nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu để viêm gan cấp kéo dài sẽ dẫn tới suy gan, xơ gan, ung thư gan…
Có nhiều nguyên nhân gây viêm gan cấp trong đó có các nguyên nhân điển hình như:
- Viêm gan cấp do virus và các siêu vi: Đây là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất, có 6 loại virus viêm gan bao gồm A, B, C, D, E, G cùng các siêu vi CMV, EBV có thể tấn công vào cơ thể, gây tổn thương cho gan. Hai loại virus viêm gan A và viêm gan E được truyền qua đường tiêu hóa, các loại virus viêm gan còn lại được truyền qua đường máu.
Tất cả các virus này đều gây nên bệnh viêm gan cấp tính. Ngoài ra, virus viêm gan B, C, D, G còn diễn tiến thành viêm gan mạn tính và đưa đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan, suy gan và ung thư gan.
-Viêm gan cấp do rượu bia: Rượu bia làm cho gan sưng phồng và bị viêm nhiễm. Khi người bệnh nạp rượu bia vào cơ thể, ban đầu có thể dẫn tới gan nhiễm mỡ, rồi đến viêm gan cấp, sau đó hình thành nên xơ gan, ung thư gan.
- Viêm gan cấp do lạm dụng thuốc: Việc lạm dụng kháng sinh, thuốc giảm đau có thể làm suy yếu chức năng chuyển hóa và giải độc của gan, gây hoại tử tế bào gan, ngăn chặn sự bài tiết của mật.
- Nguyên nhân viêm gan cấp do vi khuẩn, ký sinh trùng: Ký sinh trùng sốt rét P. Falciparum trong giai đoạn ký sinh có thể gây tổn thương tế bào gan. Ngoài ra, các ký sinh trùng khác như giun, sán chó, sán lá gan, các loại xoắn khuẩn,... có trong gỏi cá, thịt tái, rau sống, thịt chó, tiết canh... cũng có thể xâm nhập vào cơ thể con người và hình thành nên bệnh.
2. Biểu hiện viêm gan cấp
Mỗi một tác nhân gây bệnh sẽ khác nhau về con đường nhiễm bệnh tuy nhiên các biểu hiện của viêm gan cấp tính thường như sau:
-Biểu hiện chán ăn, mất ngủ: Nhu cầu ăn uống của con người sẽ giảm khi gan bị tổn thương, viêm nhiễm. Đặc biệt khi ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc protein, người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, khó chịu và uể oải. Đồng thời, việc mất ngủ khiến họ trông thiếu sức sống, sụt cân, sức đề kháng kém.
- Biểu hiện vàng mắt: Khi bị viêm gan cấp, cơ năng gan bị bệnh, sắc tố dịch mật không thể xử lý triệt để sẽ bị ứ đọng lại trong máu gây nên vàng mắt.
- Biểu hiện nước tiểu có màu vàng: Khi gan bị bệnh, trong nước tiểu có chứa những chất dạng dịch mật như bilirubin, khiến màu của nước tiểu vàng đục như bia.
- Biểu hiện cơ thể mẩn ngứa, nổi mề đay: Gan có nhiệm vụ chuyển hóa chất và giải độc, không để cho cơ thể hấp thụ các chất có hại. Khi bị viêm gan cấp, các tế bào gan tổn thương, chức năng này hoạt động kém, tạo tiền đề khiến da mẩn ngứa, mề đay xuất hiện.
Các biểu hiện khác: Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như đau đầu, suy giảm thị lực, khó tiêu, phân bạc màu,...
3. Khi bị viêm gan cấp cần làm gì?
Đa số các trường hợp viêm gan cấp tính đều không quá nguy hiểm, bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không gây ra biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng cũng có một số trường hợp viêm gan cấp tính bị biến chứng sang viêm gan tối cấp đe dọa đến tính mạng, tình trạng này thường gặp ở những người bị viêm gan cấp tính do virus.
Ngoài ra, viêm gan cấp tính nếu diễn ra kéo dài cũng có thể tiến triển sang xơ gan và ung thư gan. Chính vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa gan mật để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
Sau khi khám, dựa và kết quả tìm nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ giúp bệnh nhân có phương án chữa trị thích hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan cấp và việc điều trị bệnh chủ yếu nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng bệnh diễn tiến xấu đi và giảm nhẹ các biểu hiện do bệnh gây ra.
Một số loại thuốc được sử dụng cho người bệnh viêm gan có tác dụng tăng cường chức năng gan. Ngoài ra, tùy vào loại virus gây bệnh và độ ảnh hưởng của virus đó mà sẽ có những loại thuốc và phương pháp điều trị khác nhau.
Để bảo vệ cho gan khỏe mạnh và hỗ trợ việc điều trị viêm gan cấp hiệu quả, người bệnh cần hết sức lưu ý đến chế độ ăn uống hàng ngày. Cụ thể:
Tăng cường protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa… ;
Hạn chế mỡ động vật, thức ăn chiên rán, còn dầu thực vật có tác dụng lợi mật nên có thể dùng lượng vừa phải.
Trong giai đoạn hồi phục, khi cảm giác thèm ăn quay trở lại, ngoại trừ rượu, bia và một số loại thuốc có hại cho gan, người bệnh không cần phải có một chế độ ăn kiêng nào cả.
Đảm bảo ăn uống đủ chất, giàu năng lượng. Khuyến khích đi lại, hoạt động hơn là nằm trên giường.
Tuy nhiên, những người bị nhiễm viêm gan B, C có thể trở thành người mang virus. Dù không có triệu chứng bệnh nhưng vẫn bị nhiễm bệnh và có thể truyền virus cho người khác. Người mang mầm bệnh bị viêm gan mạn và có nguy cơ cao bị xơ gan hoặc ung thư gan.
Để hạn chế diễn tiến của viêm gan cấp người bệnh cần phải thay đổi lối sống để điều trị hiệu quả nhất. Điều trị và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tránh việc bỏ thuốc hoặc ngưng điều trị vì chúng có thể dẫn đến viêm gan mạn tính nếu virus vẫn chưa được tiêu diệt hết.
Người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tịnh dưỡng để cơ thể có thời gian để phục hồi. Tuyệt đối không nên uống rượu bia để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của gan. Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, bổ sung nhiều chất xơ và cân bằng chế độ dinh dưỡng để giúp gan tăng cường chuyển hóa, tránh tạo áp lực khiến gan hoạt động quá sức. Tăng cường vận động nâng cao sức khỏe. Không sử dụng vật dụng cá nhân chung với người khác.
|
Theo suckhoedoisong.vn