Khi ứng dụng (app) chỉnh sửa ảnh và các nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng “biến” bản thân thành nhân vật trong thế giới ảo xuất hiện ngày càng nhiều, không ít mối nguy được đưa ra bàn luận. Đáng kể nhất là việc nhiều người mang chuẩn cái đẹp ở thế giới ảo áp lên đời thật và không ngừng mơ mộng, thậm chí áp lực.
|
Một số phiên bản ảo xinh đẹp |
Thế giới của vẻ đẹp ảo
Metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo) thời gian qua tạo nên cơn sốt cho người dùng mạng. Hiện tại, vũ trụ này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong vũ trụ ảo, nền tảng công nghệ ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) được kết hợp, tạo ra không gian ảo vô cùng lý tưởng. Trên nền tảng đó, nhiều công ty công nghệ tạo ra sàn diễn thời trang, sân khấu, khu vui chơi, mua sắm với nhiều giao diện mà người dùng mong muốn.
Để gia nhập vũ trụ ảo, người dùng cần tạo một tài khoản với tên gọi, vài thông tin cơ bản và đặc biệt là họ có thể xây dựng hình ảnh bản thân hoàn hảo trong thế giới này. Một số người dùng có gu thẩm mỹ tốt, biết kết hợp các gợi ý có sẵn trên nền tảng… tạo cho phiên bản ảo của họ ngoại hình đẹp, có phong cách thời trang bắt mắt.
Tuy nhiên, từ việc xây dựng hình ảnh này, nhiều người phát hiện số đông đang đi theo một chuẩn nhất định về cái đẹp. Mới đây, một người dùng đã lên tiếng trên tờ Marie Claire rằng cô không ngạc nhiên khi mọi người trong vũ trụ ảo đều sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo từ làn da trắng, vòng eo thon, mái tóc suôn mượt… và ăn mặc đẹp. Cô không tìm thấy ai mập mạp, da màu, thấp, môi mỏng và cơ thể không có đường cong như chính hình dáng của cô trong đời thật.
Hiện tại, không cần phải nói xa xôi đến các nền tảng vũ trụ ảo mà ngay chính thói quen chỉnh sửa ảnh của người dùng cũng được mang ra nghiên cứu. Có quá nhiều phần mềm chỉnh ảnh nhằm giúp người dùng trở nên xinh đẹp, lung linh hơn khi xuất hiện trên mạng xã hội. Đôi khi không cần thực hiện những cuộc “đại phẫu” ảo như bóp eo cho thật thon, kéo chân cho thật dài mà người dùng còn đi vào tiểu tiết. Họ muốn môi dày, căng mọng; chân mày sắc nét; chóp mũi cao hơn…
|
Nhiều người nhầm tưởng nhân vật ảo là mình ngoài đời thật |
Từ đời thật đến vũ trụ ảo, ai cũng đều muốn mình đẹp hơn nhưng có vẻ việc chạy theo những quy chuẩn ảo bất chấp thực tế phần nào đó mang lại rủi ro.
Theo nghiên cứu năm 2022 từ Razorfish và Vice Media Group, hơn một nửa lượng người dùng mạng thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) cho biết phiên bản ảo trên vũ trụ ảo “giống” họ hơn phiên bản thật ngoài đời. Cũng theo nghiên cứu này, thế hệ Z tin rằng mọi người thích thể hiện bản thân trên mạng nhiều hơn là gặp gỡ, tương tác trực tiếp.
“Một nghiên cứu kết luận rằng Instagram rất độc hại với các cô gái, khiến họ cảm thấy chán nản, thậm chí căm ghét cơ thể mình. Việc đẹp hơn nhờ sử dụng một số bộ lọc trên các nền tảng và chỉ thông qua vài thao tác cơ bản đã xoáy sâu hơn vào tiêu chuẩn cái đẹp, làm sai lệch ý thức của mọi người về bản thân. Không ít người đang ở thế giới ảo nhưng nghĩ đời thật cũng giống như thế…” là nội dung được tác giả Mattie Khan viết trong bài đăng trên trang Marie Claire.
Sophia Choukas-Bradley - nhà tâm lý học, tiến sĩ Đại học Pittsburgh - cho biết: “Từ lâu, do quan niệm xã hội tác động, phụ nữ luôn quan tâm đến ngoại hình. Từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, tóc tai… đều được phái đẹp chăm chút để mỗi khi xuất hiện, họ luôn chỉn chu, xinh đẹp. Điều mới mẻ hơn là từ khi công nghệ chỉnh sửa ảnh xuất hiện, phụ nữ đã tạo ra những khoảng cách nhất định giữa đời thật và trên mạng. Họ luôn xinh đẹp trên mạng xã hội nhưng ngoài đời không được lung linh như thế”.
Không hẳn xấu nhưng cần biết chọn lọc
Trên nền tảng giải trí ảo Roblox, hiện có 58 triệu người dùng tích cực. Các tài khoản này đều đang nhập vai vào những phiên bản 3D của riêng mình để gặp gỡ, chuyện trò với nhau. Khi Roblox đầu tư để cải thiện giao diện nhằm thu hút người dùng hơn, doanh thu của đơn vị nhanh chóng vượt ngoài mong đợi, tăng mạnh vào đầu năm 2023. Sự quan tâm của người dùng với nền tảng Roblox ngày càng lớn khi ứng dụng đầu tư vào việc thiết kế quần áo, phụ kiện cho các nhân vật ảo.
|
Theo thời gian, vẻ đẹp ảo sẽ càng ảnh hưởng đến đời thật nhưng cần biết chọn lọc, phân biệt |
Sự nở rộ của các nền tảng ảo là điều hiển nhiên trong thời buổi công nghệ phát triển. Điều đáng nói ở đây là làm sao để người dùng không bị ảnh hưởng một cách thái quá, tiêu cực, nhất là trước những quy chuẩn về cái đẹp.
Giáo sư Adam Alter của Đại học New York, tác giả cuốn Irresistible: The Rise of Addictive Technology and the Business of Keeping us hooked (tạm dịch: Không thể cưỡng lại: Sự trỗi dậy của công nghệ gây nghiện và việc kinh doanh khiến chúng ta bị thu hút), đặt vấn đề: “Trên Instagram, bạn thường xuyên nhìn thấy khoảnh khắc đẹp tuyệt vời của những người khác, thậm chí họ chỉnh sửa tốt đến mức bạn khó nhìn ra đâu là yếu tố không thật. Kết quả, bạn thấy toàn người đẹp với cuộc sống đáng mơ ước. Những lúc đó, làm sao để bạn cảm thấy không tồi tệ?”.
Sau phần hỏi, giáo sư Adam Alter nói rằng sự so sánh vốn đã tồn tại bên trong mỗi người. Vì vậy, để không bị “ngộp” hay bị cuốn theo những thứ lung linh trên mạng xã hội, bạn phải có hiểu biết và niềm tin. Hãy tin rằng mọi người luôn có nét hấp dẫn và sự thú vị riêng, cũng như ý thức được rằng trên mạng xã hội, mọi thứ luôn được “cắt tỉa” cẩn thận.
Giáo sư Adam Alter cho biết trên vũ trụ ảo, ông thấy có nhiều nền tảng đang giúp con người vui vẻ, không bị ảnh hưởng bởi vẻ ngoài. Một trong số các nền tảng được ông nhắc đến có Bitmoji. Hình ảnh đại diện của người dùng ứng dụng này đa phần là ảnh biếm họa, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn là những ảnh đẹp đã được chỉnh sửa hoàn hảo.
Svoboda là một người dùng nền tảng giải trí ảo Roblox. Theo cô, nền tảng này như một cửa hàng bách hóa. Càng ngày, cô càng thấy không ít người dùng lựa chọn những giao diện đặc biệt. Chẳng hạn, họ chọn da hồng, tóc xanh… đi ngược những khuôn mẫu. Cách lựa chọn như thế cũng khiến nhiều người cảm thấy thú vị. Svoboda cũng được truyền cảm hứng ở thế giới ảo, cụ thể là góc độ con người có quyền lựa chọn những thứ mình thích mà lúc sinh ra đã không được chọn, như màu da, màu mắt… Hoặc, có thể nghĩ theo hướng tích cực, thực tế là bạn sẽ được thử nhiều kiểu trang điểm bằng app để biết mình phù hợp với phong cách nào. Tuy vậy, mỗi người phải biết chọn lọc, tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thế giới ảo.
Bác sĩ da liễu Dendy Engelman làm việc tại New York (Mỹ), cho hay khoảng vài lần 1 tuần, một số phụ nữ lại mang đến bệnh viện ảnh gương mặt họ đã qua chỉnh sửa từ các app, bày tỏ mong muốn sở hữu vẻ đẹp tương tự. Bác sĩ Dendy Engelman không phản đối vì đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, cô luôn tư vấn dựa trên điều kiện thực tế, thể trạng và khả năng thành công nếu làm theo phiên bản ảo. Không ít lần cô khiến người nghe khó chịu khi nói rằng họ đang không thực tế và phương pháp thẩm mỹ không làm được điều họ mong muốn. Bác sĩ Dendy Engelman tin rằng nói thật là “liều thuốc” tốt nhất, đặc biệt đối với những ai đang mơ hồ trong thế giới ảo.
Theo phụ nữ TPHCM