Hãy chúc mừng con và cùng đồng hành

Trưởng thành về sinh lý có thể tính bằng kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong đời của con. Với con trai thì đó là ngày vỡ giọng, xuất tinh. Trưởng thành về sinh lý dễ nhận ra bao nhiêu thì trưởng thành về tâm lý lại khó nhận biết bấy nhiêu. Nhưng phải có trưởng thành về sinh lý thì trẻ mới bắt đầu trưởng thành về tâm lý. Thế nên một lần nữa cha mẹ hãy chúc mừng con trưởng thành về sinh lý và hãy bắt đầu cùng con trưởng thành về tâm lý.

Khi con gái có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, hãy chúc mừng, đừng lo lắng! - ảnh 1

Trẻ phải trưởng thành về sinh lý là lúc cần cha mẹ đồng hành để có thể trưởng thành về tâm lý

SHUTTERSTOCK

Thời nay, khi thông tin rộng khắp, việc cha mẹ chuẩn bị gì cho con khi con có dấu hiệu trưởng thành sinh lý đã trở nên vô cùng dễ dàng như: hướng dẫn con vệ sinh thân thể nhiều hơn, cách thức để chăm sóc cơ thể, bảo vệ cơ thể của mình. Ngoài kiến thức căn bản mà chúng ta tìm thấy dễ dàng, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn tới cả những thay đổi về tâm lý của con.

Việc thay đổi nội tiết tố, estrogen với nữ và testosterone với nam sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Cha mẹ cần kiên nhẫn và bao dung hơn với con mình trong giai đoạn đầy biến động này. Tụt giảm hay gia tăng hormone nội tiết đều tạo ra những thay đổi tính khí. Hiểu để thấu cảm. Biết để thay đổi.

Đây chính là lúc chúng ta đặc biệt đồng hành với con, trò chuyện nhiều hơn với con, thảo luận cùng con. Đó cũng là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ, con cái gia tăng kết nối. Đừng ngại khi nói với con “Mẹ đọc sách thấy viết là…, con có trải qua tình huống đó không?” hay “Bố thấy trên báo nói là…, con thì sao?”. Nên nhớ một điều: Cha mẹ mở lòng thì con cái mới mở lời.

Cách để cha mẹ mở lòng với con

Mở lòng không phải là: “Ngồi xuống đây, mẹ có chuyện muốn nói với con”. Mở lòng chính là: "Hôm nay mẹ thấy con gái mẹ xinh quá/duyên quá/mặc bộ này đẹp quá", là "Uầy, chỉ cách cho mẹ đi/ Xem giùm mẹ xem bộ này mẹ mặc có ổn không/ Theo con, mẹ có nên làm tóc xoăn/mặc màu này/ đi đôi guốc này"…

Mở lòng ra với con là mở một kênh kết nối riêng tư của hai mẹ con với nhau. Chẳng hạn, mẹ có thể kể về chàng trai ngày xưa khiến mẹ từng… bị ê mặt; về rung động đầu đời, nụ hôn đầu tiên của mẹ; hay có thể là "chúng ta cùng nhau đi làm nail đi"... Mẹ hãy cho phép con bước vào thế giới riêng tư của mình, con sẽ dần hé lộ thế giới riêng tư của con.

Mở lòng khi đã đủ thân thiết, tự khắc hai mẹ con sẽ thành đôi bạn gái của nhau. Đừng để những lo lắng của mẹ thành bức tường bảo bọc con. Đừng để những khó chịu vì con không nghe lời, bực bội vì kiểu ăn mặc của con, cáu giận vì con đi chơi về muộn… khiến kết nối mẹ con thành đứt gãy. Đừng đợi đến khi con 15 tuổi mới cuống cuồng kết nối và cũng đừng thở dài kêu muộn khi con đã 18 tuổi.

Hỗ trợ con trong quá trình trưởng thành tâm lý

Ai cũng sẽ trải qua cột mốc trưởng thành về sinh lý như thế. Trưởng thành về sinh lý thì dễ thấy nhưng trưởng thành về tâm lý thì đó lại là cả một quá trình, có khi phải mất đến 3 - 5 năm hoặc lâu hơn nữa.

Định nghĩa về trưởng thành trong tâm lý học là khả năng thích ứng được với môi trường xã hội, nhận thức được thời gian và địa điểm chính xác để có những cư xử đúng mực và biết được khi nào nên làm gì, tùy theo hoàn cảnh và phụ thuộc vào nền văn hóa xã hội mà ta đang sống.

Trưởng thành về tâm lý là cả một quá trình, có khi đau đớn. Nhiều người đã trưởng thành khi nhìn lại đều nói rằng họ trưởng thành sau khi phải trải qua một biến cố, mất mát và họ đã vượt qua được. Như loài sâu bướm, thoát khỏi kén đầy đau đớn để trở thành những cánh bướm rực rỡ. Phần đông chúng ta đều vậy, phải va vấp mới có trưởng thành.

Ở tuổi mới lớn và cả ở những năm tháng thanh xuân, tươi đẹp là vậy nhưng cũng ẩn chứa quá nhiều bi thương. Nhất là cái tuổi “xước măng rô cũng hóa trọng thương buồn” thì một thất vọng nhỏ cũng thành nỗi buồn dài, một cú vấp cũng thành cả cơn đau. Chỉ khi ta có gia đình, bạn bè và lòng tin vào chính bản thân mình, suy nghĩ tích cực chúng ta mới trưởng thành bớt đau đớn hơn.

Cha mẹ hỗ trợ con không phải là sống thay con mà đôi khi chính cha mẹ phải học cách buông tay cho con lớn. Dấu mốc trưởng thành về tâm lý được tính bằng tinh thần trách nhiệm ở con. Trách nhiệm với mỗi công việc con làm, mỗi hành động, cư xử của con. Dạy con cách tự chịu trách nhiệm với mỗi lời nói, hành động. Xa hơn là tương lai của con.

Nhưng không phải ngày một ngày hai con sẽ trở thành người có trách nhiệm, mà nó cần cả một quá trình sai để sửa, hỏng và chữa, chưa được thì căn chỉnh. Dẫu trong quá trình trưởng thành về sinh lý và tâm lý này, con chúng ta có mắc sai lầm hay có thể đã làm cho cha mẹ thất vọng, xấu hổ đôi lần, thì cha mẹ hãy chấp nhận và tiếp tục đồng hành cùng con để giúp con hạnh phúc.

Vậy thì, hãy bắt đầu từ việc trở thành bạn tâm giao của con kể từ khi con hốt hoảng, lo lắng thông báo về kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong đời.

Theo Thanh niên