Không say xỉn vì lý do sức khỏe

Cuối năm và đầu năm mới là khoảng thời gian để ăn mừng với những buổi họp mặt gia đình, bạn bè hay với đối tác, đồng nghiệp. Lượng bia rượu tiêu thụ thường tăng vọt trong những ngày lễ, tết. Dù vậy, hiện ngày càng nhiều người trẻ chuyển sang xu hướng tiêu thụ thức uống có cồn một cách khôn ngoan, kiểm soát số lượng và cách họ uống. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng uống nhiều rượu bia ở người dân châu Âu dưới 25 tuổi đã giảm hơn 10% trong giai đoạn từ năm 2000-2018. Tại Anh, một cuộc khảo sát vào năm 2023 do Tập đoàn Portman và công ty khảo sát thị trường YouGov thực hiện cho thấy: ở nhóm từ 18-24 tuổi, 39% chọn né tránh việc uống rượu bia; 44% thường xuyên hoặc thỉnh thoảng sử dụng các loại rượu bia không cồn, tỉ lệ này vào năm 2022 là 31%.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh) vào đầu năm 2023 kết luận: giới trẻ không có thói quen uống rượu như thế hệ lớn tuổi. Hơn 10% số người ở độ tuổi trên 40 được hỏi cho biết họ uống rượu hầu như mỗi ngày, cao hơn nhiều so với những người ở độ tuổi 20 (3%) và 30 (7%). Kết quả chỉ ra rằng, đối với nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi, rượu bia đang trở thành thứ có thể dễ dàng bỏ qua trong cuộc sống hằng ngày của họ. 5 lý do hàng đầu cho xu hướng này bao gồm bảo vệ sức khỏe lâu dài, cảm thấy khỏe mạnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh làm các triệu chứng y tế trở nên trầm trọng hơn và tiết kiệm tiền.

leftcenterrightdel
 Bia rượu giờ không còn là lựa chọn của nhiều người trẻ trong các dịp gặp mặt, tiệc tùng - Ảnh: Laura Stevens (The Guardian)

Nhìn chung, giới trẻ giờ đây quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như hình ảnh cá nhân của mình. Rượu bia được xem là không phù hợp với lối sống lành mạnh. Fernanda Galleguillos - một sinh viên 26 tuổi ở châu Âu - cho biết: “Hình ảnh say xỉn của bạn có thể được ghi lại và sau đó lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Bạn dễ cảm thấy xấu hổ khi nhìn thấy chính mình trong các đoạn video. Nhiều khi chúng tôi uống rượu vì đó là một phần của hoàn cảnh chứ không phải vì chúng tôi thích. Điều này có thể tạo ra một chút xung đột với các thế hệ khác”.

José Blázquez - giảng viên môn tiếp thị tại Đại học châu Âu, Madrid (Tây Ban Nha) - giải thích: “Ngày càng nhiều người quan tâm đến các xu hướng tốt cho sức khỏe như ăn chay, lối sống năng động, yêu thể thao. Lựa chọn uống rượu bia vừa phải hoặc từ chối tiêu thụ thức uống có cồn hoàn toàn phù hợp với xu hướng này”.

Hàng quán bán rượu bia không còn là điểm hẹn ưa thích của mọi người, bởi giới trẻ có những nơi gặp gỡ khác thú vị hơn. Ở Tây Ban Nha, 15% người dưới 24 tuổi chọn không uống rượu bia, dù cho họ có thể phải đối mặt với áp lực xã hội vì lựa chọn này.

Thức uống không cồn tăng trưởng mạnh

Trong một phòng thí nghiệm cách không xa London (Anh), nhà hóa học Matthew Coulshed đổ một chất lỏng màu đỏ tía đậm vào một chiếc bình nhựa lớn. Anh ấy đang nghiên cứu các thành phần của Sentia - một loại rượu mạnh không chứa cồn, làm từ thực vật. Sản phẩm hứa hẹn nâng cao tâm trạng của một người và khiến họ cởi mở trò chuyện mà không đi cùng những cảm giác lo lắng, khó chịu, đau đầu và buồn nôn mà rượu bia gây ra. Tuyệt vời hơn, sản phẩm này chỉ chứa 9 calo mỗi ly và được bổ sung nhiều vitamin cần thiết. 

Với doanh thu chưa tới 1 tỉ USD trên toàn cầu, rượu mạnh không cồn chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường rượu mạnh trị giá 650 tỉ USD. Tuy nhiên, theo Euromonitor, loại sản phẩm mới này có mức tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, cao hơn nhiều so với mức 6% của các loại rượu mạnh thông thường. 

Nhật Bản là quốc gia có thị trường đồ uống không cồn lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương. Nhóm sản phẩm này chiếm 71% tổng doanh số bán hàng của các loại rượu bia vào năm 2022. Để thích nghi với những thay đổi của giới trẻ, các công ty rượu bia đang thay đổi chiến lược.

Vào năm 2022, công ty Asahi Breweries Ltd đã mở một quán bar ở Shibuya, Tokyo, nơi khách hàng có thể chọn lựa hơn 100 loại đồ uống, bao gồm sản phẩm với nồng độ cồn mà họ thích, dao động từ 0% đến 3%. Ngoài ra, nhà điều hành chuỗi cửa hàng bách hóa PARCO (Nhật Bản) đã thực hiện chiến dịch có tên “Tháng Giêng khô” kể từ năm 2022. Đây là một sáng kiến y tế cộng đồng có nguồn gốc từ Anh, nhằm đưa ra thách thức với những người tham gia từ bỏ uống rượu vào tháng Giêng.

Trong khi đó, sản phẩm rượu baijiu không cồn đầu tiên trên thế giới (loại rượu chưng cất truyền thống của Trung Quốc có nồng độ cồn khoảng 50%) đã được công ty Lyre’s Spirit Co. (Anh) ra mắt tại thị trường nội địa Trung Quốc vào năm 2022. Trong vài năm tới, Euromonitor dự kiến xu hướng tiêu thụ sản phẩm rượu bia không cồn sẽ lan rộng ra các nước châu Á khác nhờ sự thay đổi thị hiếu của giới trẻ. 

Theo phụ nữ TPHCM