Mọi thứ trở nên ít hơn

Ngày 3/5, cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc cho biết: các nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm phải thông báo cho người mua hàng nếu họ giảm kích thước sản phẩm. Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (FTC) xem hành vi cắt giảm lượng sản phẩm trong khi vẫn giữ nguyên giá của một số doanh nghiệp là biểu hiện giao dịch không công bằng và phải chịu chế tài. Các nhà sản xuất thực phẩm chế biến và đồ dùng gia đình bị buộc phải dán nhãn trong 3 tháng nếu họ giảm quy mô sản phẩm. Quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng 8/2024. Những người vi phạm sẽ bị phạt 5 triệu won cho lần vi phạm đầu tiên, 10 triệu won cho lần thứ hai (khoảng 7.300 USD).

leftcenterrightdel
 Cùng một số tiền bỏ ra nhưng giỏ hàng của người tiêu dùng có thể dần bị teo nhỏ mà họ không nhận ra - Ảnh minh họa: Shutterstock

Kể từ tháng Ba, Chính phủ Hungary đã yêu cầu các nhà bán lẻ thực phẩm lớn phải dán cảnh báo giá đối với các sản phẩm được sản xuất nhỏ hơn. Tại Pháp, 3 thương hiệu thực phẩm lớn đã bị hiệp hội người tiêu dùng Foodwatch cáo buộc thu nhỏ sản phẩm hoặc sử dụng nguyên liệu chất lượng thấp hơn. Nhóm này tuyên bố rằng, họ nhận thấy giá sữa chua, jambon thái hạt lựu và thịt cuộn đều tăng khoảng 25%, các sản phẩm đã thay đổi công thức, sử dụng thành phần có chất lượng hoặc số lượng thấp hơn. Karine Jacquemart - Tổng giám đốc hiệp hội Foodwatch Pháp - nhận xét: “Đây là một ví dụ về việc các thương hiệu xem thường người tiêu dùng. Họ thêm vào sản phẩm các thành phần có chất lượng kém hơn nhưng lại tăng giá và thường không thông báo điều đó cho khách hàng”.

Các nhà kinh tế xác định ngày càng có nhiều “shrinkflation” tại Pháp. Ví dụ, chuỗi siêu thị Carrefour đã giảm đáng kể khẩu phần khoai tây và nhiều sản phẩm rau mà người tiêu dùng có thể mua ở một mức giá nhất định. “Đây là một trò lừa đảo” - Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói hồi tháng Tư và cam kết sẽ giải quyết vấn đề này. Olivia Grégoire - Bộ trưởng Bộ Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Pháp - lưu ý: “Khi sản phẩm bị thu nhỏ, bất kể là thực phẩm hay các ngành hàng khác, đều phải có thông báo trên kệ trong vòng 2 tháng”. Quy định mới này sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024. Pháp cũng đang kêu gọi các nước thuộc Liên minh châu Âu áp đặt các quy định tương tự. Michael Kilcoyne - Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Ireland - cho biết nước này đang xem xét quy định tương tự Pháp và yêu cầu các cửa hàng bán lẻ dán thông báo về những hàng hóa đã giảm kích thước mà không giảm giá.

Mua sắm tỉnh táo

Shrinkflation đã trở thành vấn đề đau đầu đối với người tiêu dùng và các chính phủ trên khắp thế giới, giữa lúc các hộ gia đình đối mặt với sức mua suy giảm do tình trạng lạm phát tăng vọt trong vài năm qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã lên án các nhà sản xuất tham gia vào xu hướng shrinkflation. Ông nói: “Quá nhiều tập đoàn tăng giá để tăng lợi nhuận. Họ tính phí nhiều hơn trong khi giá trị đem đến ngày càng ít hơn”. Ông Biden ủng hộ các vụ kiện dân sự chống lại các công ty có biểu hiện thu nhỏ sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng.

Hiện tại, người tiêu dùng vẫn giữ vai trò chính trong việc phát hiện những thay đổi trên sản phẩm của các doanh nghiệp. Tại Mỹ, dữ liệu của Cục Thống kê lao động cho thấy, sản phẩm giấy gia dụng có mức tăng giá đơn vị lớn nhất (10,3%) do lạm phát teo nhỏ trong thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 10/2023. Các nhóm sản phẩm khác có những thay đổi đáng chú ý trong cùng khoảng thời gian bao gồm đồ ăn nhẹ, sản phẩm tẩy rửa gia dụng, cà phê, kẹo và kem.

Theo chuyên gia Mara Weinraub của trang web ẩm thực The Kitchn, để nhận thấy những thay đổi về sản phẩm, người tiêu dùng phải có con mắt tinh tường và siêng năng chú ý. Chuyển sang nhãn hiệu khác có thể là một cách để tiết kiệm nếu sản phẩm bạn thường mua bị thu nhỏ. Bên cạnh đó, việc dành thời gian so sánh khi mua sắm trực tiếp trong siêu thị hoặc chợ cũng có thể giúp bạn tiết kiệm hơn là mua sắm trực tuyến.

Weinraub nhận xét: “Những chiến lược này ngày càng trở nên quan trọng khi giá cả tiếp tục tăng hoặc bạn dường như nhận được ít sản phẩm hơn với cùng một số tiền chi ra”.

Theo phụ nữ TPHCM