Trời lạnh cảnh giác với hiện tượng Raynaud
Bệnh nhân nữ sinh năm 1992, ở Gia Lai có tiền sử mắc bện xơ cứng bì hệ thống nhập viện trong tình trạng đau nhức các khớp toàn thân. Điều đặc biệt các khớp bàn ngón chân, ngón tay 2 bên sưng đau nhiều, bàn ngón tay 2 bên đau nhức nhiều, tím, hoại tử đầu ngón chân 2 bên và ngón bàn tay trái. Triệu chứng tăng lên khi thời tiết chuyển lạnh… sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm BS. Khánh chẩn đoán bệnh nhân mắc Hội chứng Raynaud / Xơ cứng bì hệ thống.
Theo BS Khánh, hiện tượng Raynaud là một phản ứng co mạch của động mạch ngón và tiểu động mạch da khi gặp lạnh hoặc căng thẳng. Hiện tượng này khiến cho da người bệnh trở nên trắng bệch, sau đó chuyển sang tím (do mô thiếu oxy) và cuối cùng là đỏ (do máu lưu thông trở lại). Người bệnh thường có kèm cảm giác tê, đau buốt khó chịu như kim châm và hạn chế vận động.
Giải thích về nguyên nhân này, BS Khánh cho biết, hiện tượng Raynaud thứ phát thường liên quan đến các bệnh mô liên kết như xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren và hội chứng kháng phospholipid.
Hiện tượng Raynaud xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ, đặc biệt là ở nhóm tuổi trẻ (thanh thiếu niên đến 20 tuổi). Do tình trạng co mạch kéo dài, hậu quả của hiện tượng Raynaud là gây thiếu máu cục bộ mô, đặc biệt vùng ngón tay, ngón chân. Nếu không điều trị, kết cục để lại là tình trạng loét ngón, hoại tử ngón, cuối cùng là cắt cụt ngón chi gây tàn tật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, BS Khánh nhấn mạnh.
Có thể gây hoại tử đầu ngón tay, chân
Hiện tượng Raynaud thường gặp ở các ngón tay, đối xứng 2 bên, đặc biệt là ngón trỏ và ngón giữa, có thể thấy ở ngón chân, lưỡi, mũi, tai, tiến triển qua 3 giai đoạn:
– Ở giai đoạn 1: Giai đoạn"trắng, lạnh" do co thắt tiểu động mạch nên mạng lưới mao quản không nhận được máu đến đầu ngón.
– Ở giai đoạn 2: Giai đoạn "Xanh tím" do ứ trệ máu tại các tiểu tĩnh mạch (mô phù nề do thiếu máu gây chèn ép) nên trên lâm sàng biểu hiện đầu ngón tay xanh tím và đau buốt.
– Ở giai đoạn 3: Giai đoạn "đỏ, nóng" do mở các cơ tròn tiền mao mạch, máu đến nhanh và nhiều làm các đầu ngón tay trở nên nóng đỏ.
Hiện tượng Raynaud thường khởi phát khi tiếp xúc với lạnh, căng thẳng, stress, và giảm khi không còn tiếp xúc nên bệnh thường nặng hơn về mùa đông và giảm nhẹ vào mùa hè.
Bệnh nhân thường cảm giác tê bì, có thể đau buốt đầu ngón. Trường hợp Raynaud kéo dài, nặng có thể dẫn tới biến chứng: Sẹo rỗ, loét, hoại tử đầu ngón.
Cần làm gì khi có hiện tượng Raynaud ?
Theo BS Khánh, hiện tượng Raynaud thường xảy ra do các bệnh lý sẵn có và hay gặp trong các bệnh mô liên kết như : xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren và hội chứng antiphospholipid…. Vì vậy, người bệnh cần chú ý đến việc điều trị kiểm soát bệnh của mình.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ thì việc thay đổi lối sống có thể làm giảm số đợt Raynaud và giúp cho tổng thể tốt hơn.
Cụ thể người bệnh không hút thuốc, nếu hít khói thuốc lá cũng có thể làm nặng thêm Raynaud. Cần tập thể dục thường xuyên, đặc biệt nếu có Raynaud tiên phát vì tập thể dục có thể làm tăng lưu thông máu. Đặc biệt cần kiểm soát căng thẳng vì stress có thể gây đợt bệnh, biết cách nhận ra và tránh những tình huống căng thẳng có thể giúp kiểm soát số lượng đợt bệnh.
Chú ý chăm sóc đôi tay và đôi chân. Nếu có Raynaud, bảo vệ bàn chân bàn tay không bị chấn thương, không bị lạnh. Không đi chân đất. Chăm sóc móng để tránh bị thương ngón chân và ngón tay. Ngoài ra, tránh mang bất cứ thứ gì nén lên các mạch máu ở bàn tay hoặc bàn chân, chẳng hạn như dây đeo cổ tay chặt, nhẫn hoặc giày dép.
Khi đợt Raynaud xuất hiện, việc đầu tiên và quan trọng nhất là sưởi ấm bàn tay hoặc bàn chân hoặc bất kỳ khu vực da khác bị ảnh hưởng.
Để dự phòng Raynaud BS Khánh khuyến cáo, cần mặc ấm khi ra ngoài trời. Vào mùa đông, đội mũ, khăn, tất và khởi động, mang găng tay hoặc bao tay trước khi đi ra ngoài. Đội mũ rất quan trọng bởi vì bị mất một lượng lớn nhiệt cơ thể qua đầu. Mang tấm che tai và mạng nếu đầu mũi và tai nhạy cảm với lạnh. Khởi động nóng xe một vài phút trước khi lái xe trong thời tiết lạnh.
Theo suckhoedoisong.vn