1. Thời kỳ mãn kinh là gì?
Thời kỳ mãn kinh được Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là một giai đoạn liên tục trong các giai đoạn cuộc đời của phụ nữ và thường có xu hướng xảy ra ở độ tuổi từ 45-55.
Thời kỳ mãn kinh được xác định sau khi một người phụ nữ đã trải qua 12 tháng liên tục không có chu kỳ kinh nguyệt và có đặc điểm sinh lý là sự suy giảm nồng độ estrogen cùng một loạt các dấu hiệu, triệu chứng khác.
Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng của phụ nữ ngừng sản xuất nội tiết tố estrogen và progesterone. Đây là những hormone cần thiết cho khả năng sinh sản hoặc để thụ thai. Mãn kinh đánh dấu sự kết thúc khả năng sinh sản của phụ nữ vì họ không thể thụ thai được nữa.
Thời kỳ mãn kinh thường diễn ra tự nhiên theo tuổi tác. Tuy nhiên, nguyên nhân gây mãn kinh sớm có thể do phẫu thuật hoặc một bệnh lý nào đó liên quan đến hormone.
2. Độ tuổi mãn kinh
Tiền mãn kinh (trước mãn kinh): kéo dài vài năm và thường bắt đầu từ giữa đến cuối 40 tuổi. Độ tuổi trung bình mà một người đạt đến thời kỳ mãn kinh tự nhiên là 51-52. Có những trường hợp ngoại lệ, một số người đến tuổi mãn kinh vào cuối những năm 30 tuổi hoặc đầu những năm 60 tuổi.
Mãn kinh: là sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, được xác định bằng việc không có kinh trong 12 tháng liên tiếp. Khoảng 5% những người có kinh bị mãn kinh sớm trong độ tuổi từ 40-45 tuổi. Thời kỳ mãn kinh xảy ra trước 40 tuổi được coi là mãn kinh sớm.
3. Các triệu chứng khi bước vào thời kỳ mãn kinh
Các triệu chứng mãn kinh là kết quả của việc suy giảm chức năng buồng trứng. Buồng trứng ngừng sản xuất các hormone sinh sản như estrogen và progesterone. Triệu chứng đầu tiên thường là chu kỳ kinh nguyệt không đều. Các triệu chứng khác bao gồm bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, mất ngủ (khó ngủ), khô âm đạo và giảm ham muốn tình dục.
Kinh nguyệt không đều thường là dấu hiệu đầu tiên bắt đầu thời kỳ mãn kinh. Các khoảng thời gian kinh nguyệt cách nhau gần hơn hoặc xa hơn. Tình trạng đau bụng kinh có thể trở nên nhẹ hơn hoặc trầm trọng hơn. Thời gian ra máu ngắn hơn hoặc dài hơn và lượng máu có lúc tăng hoặc giảm.
Bốc hỏa: Bốc hỏa là một triệu chứng phổ biến bắt đầu ở giai đoạn tiền mãn kinh, thường kéo dài vài năm sau. Các cơn bốc hỏa khiến bạn đột nhiên cảm thấy nóng bừng, đỏ mặt, tim đập nhanh, đổ mồ hôi. Cảm giác ớn lạnh hoặc lo lắng đôi khi xảy ra sau cơn bốc hỏa. Những cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm được gọi là đổ mồ hôi ban đêm.
Những thay đổi về âm đạo hoặc tình dục
Những triệu chứng này có thể bao gồm khô âm đạo, ngứa ngáy, đau nhức hoặc đau đớn khi quan hệ tình dục. Một số người cũng báo cáo giảm ham muốn tình dục.
Theo TS.BS. Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đối với phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, sự suy giảm ham muốn tình dục là điều không thể tránh khỏi. Chị em không nên e ngại, nên đi khám bác sĩ để được đánh giá về tình trạng suy giảm ham muốn và những vấn đề sức khỏe khác, từ đó có biện pháp cải thiện vấn đề này.
Thay đổi đi tiểu
Những thay đổi chủ yếu về đường tiết niệu bao gồm:
- Tăng tần số tiết niệu
- Rò rỉ nước tiểu không tự chủ
- Tiểu đêm (trước đây không gặp tình trạng này)
- Tăng mức độ khẩn cấp để đi tiểu
Thay đổi tâm trạng hoặc não bộ
Những thay đổi về tâm trạng và nhận thức thường xảy ra trong quá trình chuyển đổi thời kỳ mãn kinh. Không rõ liệu những thay đổi này là do giảm estrogen hay do các yếu tố khác. Những thay đổi này bao gồm:
- Mất ngủ, khó ngủ
- Trầm cảm
- Cáu gắt
- Lo lắng bất an
- Mất tập trung
- Lòng tự trọng hoặc sự tự tin thấp
Thay đổi cơ thể
Những thay đổi thể chất khác thường có thể xảy ra, bao gồm:
- Tăng cân và chậm trao đổi chất
- Căng tức vú
- Mất sự đầy đặn của vú
- Tóc mỏng, da khô
- Nhịp tim nhanh
- Tăng huyết áp
- Nhức đầu
4. Làm cách nào để xác định đã mãn kinh?
Thời kỳ mãn kinh thường được phát hiện do tuổi tác và các triệu chứng kể trên. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng có thể giúp bạn xác định đang ở giai đoạn nào của thời kỳ mãn kinh. Khi có bất kỳ triệu chứng mãn kinh nào, chẳng hạn như bốc hỏa, căng ngực, khô âm đạo, thay đổi kinh nguyệt, thay đổi tâm trạng hoặc khó ngủ, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
Trong khi các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm thường không cần thiết để chẩn đoán mãn kinh, bác sĩ có thể kiểm tra lượng hormone trong máu của bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu kinh nguyệt của bạn ngừng lại ở độ tuổi sớm (trước 40) hoặc có lý do can thiệp y tế (phẫu thuật liên quan đến buồng trứng, tử cung).
FSH là một loại protein do não tạo ra để thông báo cho buồng trứng biết đã đến lúc rụng trứng. Khi thời kỳ mãn kinh bắt đầu, buồng trứng bắt đầu ngừng hoạt động và không đáp ứng với kích thích. Điều này khiến não gửi nhiều FSH vào cơ thể. Nồng độ FSH trong máu sẽ tăng lên khi buồng trứng của một người bắt đầu ngừng hoạt động. Các mức này dao động, vì vậy các bài kiểm tra này có thể cần được theo dõi theo thời gian.
Mức độ Estradiol: Estradiol là dạng estrogen chính được tìm thấy ở một người trước khi mãn kinh. Nói chung, nồng độ trong máu giảm sau thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ đối với những người dùng một số loại thuốc nhất định.
Một số người không gặp vấn đề với các triệu chứng mãn kinh, đó là một quá trình chuyển đổi suôn sẻ. Đối với những người khác, các triệu chứng có thể gây bực bội, khó chịu hoặc gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Thời kỳ mãn kinh thường có mối tương quan với những thay đổi khác trong cuộc sống, chẳng hạn như con cái rời khỏi nhà, hoặc chăm sóc cha mẹ già. Điều cần thiết là phải thăm khám sức khỏe định kỳ và tìm cách cải thiện các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Theo suckhoedoisong.vn