Câu hỏi: Gia đình tôi có 2 cháu chuẩn bị đến trường học. Tôi rất lo lắng nếu cháu bị lây nhiễm nCoV. Xin hỏi các dấu hiệu nào dễ nhận biết trẻ em mắc Covid-19?

Trả lời

Bộ Y tế

Theo Quyết định 405 kèm "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em" do Bộ Y tế ban hành ngày 22/2, trẻ em mắc Covid-19 có thời gian ủ bệnh 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày.

Giai đoạn khởi phát, trẻ thường gặp một hay nhiều triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên, trẻ thường không có triệu chứng.

Triệu chứng lâm sàng thường gặp là sốt, ho, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, khó thở, triệu chứng mũi họng, phát ban, mệt mỏi, đau bụng, triệu chứng giống Kawasaki, kết mạc, họng đỏ.

Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ có nguy cơ bệnh diễn biến nặng gồm:

- Trẻ sinh non, cân nặng thấp.

- Béo phì, thừa cân.

- Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa.

- Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản.

- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...).

- Bệnh thận mạn tính.

- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

- Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp).

- Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần).

- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, huyết học mạn tính khác.

- Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.

- Bệnh gan.

- Đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

- Các bệnh hệ thống.

Một số yếu tố nguy cơ gây huyết khối trẻ có thể gặp khi điều trị tại ICU phải thở máy bất động kéo dài, béo phì (chỉ số BMI > 95 th percentile. Ngoài ra, trẻ có nguy cơ này nếu gia đình có tiền sử huyết khối tĩnh mạch không rõ nguyên nhân; bản thân có tiền sử huyết khối hoặc suy giảm miễn dịch.

Trẻ cũng gặp nguy cơ huyết khối nếu có bệnh ác tính hoạt động, hội chứng thận hư, viêm tiềm tàng hoặc hoạt động, biến cố tắc mạch trên người bệnh huyết sắc tố S; bệnh tim bẩm sinh hoặc mắc phải có ứ máu tĩnh mạch (hội chẩn chuyên khoa); rối loạn nhịp tim (hội chẩn chuyên khoa).

Theo Zing