Các nguyên nhân gây khó thở

Khó thở có nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có thể là do dị vật đường hô hấp hoặc bệnh lý liên quan đến tim, phổi như :

  • Bệnh phổi: hen suyễn, ung thư phổi, bị lao phổi hoặc bị viêm phổi...
  • Tim mạch: bị suy tim, bị hở van tim hoặc bị cơ tim giãn...

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây nên tình trạng khó thở điển hình như: bị thiếu máu; những bệnh về tuyến giáp; thường xuyên lo lắng và cảm thấy hoảng sợ; vô tình hít phải các dị vật vào trong phổi; bị trào ngược dạ dày; béo phì, thừa cân, thường xuyên hút thuốc lá, làm việc trong môi trường bị ô nhiễm không khí cũng gây gây tình trạng khó thở.

Ghi nhận thực tế, có rất nhiều trường hợp bị khó thở đột ngột diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra thì 85% có thể xác nhận là do các bệnh lý về tim hoặc phổi. Vì vậy, khó thở không chỉ đơn thuần là bệnh lý tim mạch mà còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Phân loại khó thở

- Khó thở cấp tính: tình trạng khó thở diễn ra nhanh chóng và không kéo dài. Có thể gây ra bởi vận động quá sức, dị ứng, lo lắng và các bệnh cúm, cảm lạnh hoặc từ các bệnh lý nghiêm trọng như đau tim, thuyên tắc phổi, hẹp đường thở đột ngột...

- Khó thở mạn tính: là tình trạng khó thở kéo dài (kéo dài trên một tháng) hoặc tái phát liên tục. Các bệnh có thể gây ra khó thở mạn tính gồm: hen suyễn, suy tim, COPD, ung thư...

Khó thở có phải bệnh tim, khi nào cần nhập viện?- Ảnh 1.
 
Những bệnh lý liên quan đến tim và phổi đều có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hít thở.

Chẩn đoán xác định khó thở

Có nhiều cách để chẩn đoán tình trạng khó thở có nguyên nhân do đâu, tuy nhiên, thông thường ngoài việc khám lâm sàng, khai thác bệnh sử,... các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chụp X-quang, CT để xác định chính xác nguyên nhân để có phác đồ điều trị đúng. 

Khó thở khi nào cần nhập viện?

Triệu chứng khó thở khiến nhiều người lo lắng nhất là tình trạng khó thở, hụt hơi không đủ lượng không khí cần thiết để thở, cảm thấy nghẹt thở. Nếu thấy tình trạng khó thở thường xuyên, mệt mỏi, không thể hít thở được sâu, tức ngực…cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Hoặc nếu gặp tình trạng khó thở kèm theo các biểu hiện khác như: sốt, bị nổi phát ban hoặc bị ho… cũng cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán cụ thể.

Khó thở có điều trị được không?

Bước đầu tiên trong việc chữa khó thở là tìm ra nguyên nhân, việc xác định nguyên nhân là cách điều trị tốt nhất. Khó thở thường kiểm soát được bằng thuốc, bằng kỹ thuật thở, bằng thể dục và đôi khi bằng oxy. Người bệnh có thể thực hiện theo một số bước đơn giản như sau:

- Người bệnh cần tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc, nhất là những người mắc các bệnh mạn tính tim mạch, huyết áp, hen suyễn, ....

- Với những bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp như: COPD khi thấy khó thở cần tập hít thở. Cách hít thở đúng là hít thở mím môi khi khó thở sẽ giúp làm chậm nhịp hô hấp đến mức dễ chịu hơn và giúp thở sâu hơn, hiệu quả hơn.

- Cần tăng cường thể lực. việc tập thể dục phù hợp với sức khỏe rất quan trọng, có thể lựa chọn các môn thể dục như: khí công, yoga,… rất tốt cho việc nâng cao sức khỏe và sức đề kháng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi luyện tập.

Nhìn chung, khó thở đột ngột và kéo dài sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy vô cùng lo lắng và đây là tình trạng biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau. Vì vậy, nếu xuất hiện tình trạng khó thở, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể; không nên tự ý mua thuốc điều trị theo mách bảo dẫn đến nguy hại đến sức khỏe. 

Theo suckhoedoisong.vn