Khoa học xác định thời lượng ngủ hoàn hảo mỗi đêm để tránh bệnh tật
Cập nhật lúc 09:28, Thứ sáu, 10/09/2021 (GMT+7)
Có nhiều quan điểm khác nhau về thời lượng ngủ mỗi đêm là bao nhiêu để tối ưu hóa sức khỏe. Một nghiên cứu mới đây đã xác định thời lượng ngủ hoàn hảo để giảm nguy cơ mắc Alzheimer cùng nhiều bệnh khác.
Thiếu ngủ có thể làm tăng các triệu chứng trầm cảm, tăng cân và nguy cơ mắc Alzheimer - SHUTTERSTOCK
Nghiên cứu được đăng trên chuyên san JAMA Neurology. Các nhà khoa học đã quét não và phân tích dữ liệu từ hơn 4.000 người ở Mỹ, Canada, Úc và Nhật Bản, theo The Fatherly.
Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 71,3 tuổi. Kết quả cho thấy ngủ quá ít hay quá nhiều đều gây hại cho sức khỏe theo những cách khác nhau.
Ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là nghiêm trọng. Thiếu ngủ không chỉ làm tăng triệu chứng trầm cảm, dẫn đến tăng cân mà về lâu dài còn làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer, dạng phổ biến nhất của hội chứng suy giảm trí nhớ ở người già.
Ảnh chụp não các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu cho thấy các mảng bám protein amyloid beta trong não xuất hiện với tỷ lệ cao ở những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày. Sự tích tụ mảng bám này được cho là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer.
Trong khi đó, ngủ nhiều quá cũng không tốt. Các kết quả phân tích cho thấy ngủ nhiều hơn 9 giờ/đêm cũng làm tăng nguy cơ bị suy giảm nhận thức.
Nghiên cứu xác định thời lượng ngủ lý tưởng nhất là từ 7 đến 8 giờ/đêm. Với thời lượng ngủ này, mọi người có thể tránh các vấn đề sức khỏe do thiếu ngủ, tránh gia tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các tác hại lão hóa khác do thiếu ngủ gây ra, theo The Fatherly.
Theo thanhnien