|
|
Theo phân tích mới của Liên đoàn Bệnh béo phì thế giới, ước tính, năm 2035 sẽ có hơn một nửa dân số thế giới bị thừa cân hoặc béo phì |
Theo bảng xếp hạng mới dựa trên dữ liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố về các quốc gia có trẻ em béo nhất thế giới ngày nay, Libya đứng đầu bảng gồm 198 quốc gia. Năm 2022, quốc gia châu Phi này có gần 3/10 trẻ em dưới 5 tuổi (28,7%) được phân loại là thừa cân.
Úc đứng thứ hai với 21,8% trẻ em thừa cân. Tiếp theo là Tunisia, Ai Cập và Papua New Guinea với tỉ lệ lần lượt là 19%, 18,8% và 16%.
Hy Lạp và Paraguay đều báo cáo tỉ lệ là 14,6%, đứng thứ 6. Việt Nam đứng hạng 49 với tỉ lệ 8,1%.
Myanmar là quốc gia có trẻ có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân thấp nhất, chỉ chiếm 0,8%. Sri Lanka và Timor-Leste báo cáo tỉ lệ thấp thứ hai với 1,3%. Madagascar thấp thứ tư với tỉ lệ 1,5%.
Theo thống kê, khoảng 37 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu hiện đang bị thừa cân. WHO cảnh báo, bệnh béo phì đang phát triển và khó có cơ hội đảo ngược tỉ lệ này nhanh chóng.
Việc tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn và lối sống ít vận động được cho là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ béo phì ngày càng gia tăng ở phương Tây.
"Dinh dưỡng đầy đủ là nền tảng cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời. Nhưng nếu cho trẻ ăn không tối ưu, trẻ có thể bị còi cọc, gầy còm hoặc thừa cân" - WHO nhận định.
Thừa cân được định nghĩa là có chỉ số khối cơ thể (BMI) bằng hoặc lớn hơn 25, trong khi béo phì được ghi nhận là người trưởng thành có chỉ số BMI từ 30 trở lên.
Chỉ số BMI của một người khỏe mạnh - được tính bằng cách lấy cân nặng tính bằng kg chia cho chiều cao tính bằng mét, và kết quả lại chia cho chiều cao - nằm trong khoảng từ 18,5 đến 24,9.
Béo phì là yếu tố rủi ro của một số nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, bao gồm bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư.
Bệnh tiểu đường type 2, có liên quan đến béo phì, cũng có thể dẫn đến các biến chứng như bệnh tim, giảm thị lực và các vấn đề về thận.
Theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2017 của The Lancet, vào năm này đã có 4,7 triệu người chết sớm do béo phì.
Tiến sĩ Kathryn Dalrymple - nhà thống kê y tế tại Đại học King's College London - cho biết: "Việc tỉ lệ béo phì ở trẻ em ngày càng tăng là một trong những thách thức lớn nhất đối với sức khỏe dân số toàn cầu".
Vào tháng 3 vừa qua, theo phân tích mới của Liên đoàn Bệnh béo phì thế giới, ước tính, năm 2035 sẽ có hơn một nửa dân số thế giới bị thừa cân hoặc béo phì.
Dự kiến, tỉ lệ béo phì sẽ tăng mạnh nhất ở trẻ em, tăng từ 10% (ghi nhận vào năm 2020) lên 20% ở bé trai và từ 8% lên 18% ở bé gái.
Tình trạng thừa cân và béo phì dự kiến sẽ tác động đến nền kinh tế gấp đôi, từ 2.000 tỉ USD vào năm 2020 lên gần 4.000 tỉ USD vào năm 2035. Trong đó bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe để điều trị bệnh béo phì và hậu quả của nó đối với năng suất lao động, bao gồm nghỉ ốm, giảm năng suất khi làm việc và nghỉ hưu sớm hoặc tử vong.
Theo phụ nữ TPHCM