Đừng để cơ thể phải “lên tiếng”
Sợ nóng trong người, nổi mụn, chị Thanh Xuân (Q.10, TPHCM) loại bỏ thực phẩm chiên xào, dầu mỡ… ra khỏi thực đơn hằng ngày. Chị tăng cường uống nước sâm, bông cúc mỗi ngày; trái cây thì chỉ ăn đu đủ, thanh long, cam, bưởi… cho mát. Việc liên tục ăn đồ mát lạnh đã khiến cơ thể chị bị mất cân bằng hàn nhiệt, hệ tiêu hóa hoạt động kém, gây đau bụng, thường cảm thấy ớn lạnh, hoa mắt chóng mặt.
Tương tự, chị Mai Hoàng (Q.Bình Thạnh, TPHCM) cũng loại bỏ thực phẩm chiên xào, tinh bột, đường ra khỏi thực đơn vì nghĩ những thực phẩm này không tốt cho sức khỏe. Sau một thời gian, chị thường cảm thấy đau đầu, choáng khi đứng lên ngồi xuống đột ngột, da dẻ thì thô ráp và sạm màu. Khi xét nghiệm máu, các chỉ số về cholesterol, đường trong máu đều thấp hơn so với ngưỡng tối thiểu an toàn.
Thực tế, không ít người vẫn hiểu lầm về thực phẩm, cho rằng loại này xấu nên kiêng cữ tuyệt đối, loại kia tốt nên ăn quá đà dẫn đến tình trạng ăn thiên lệch và hậu quả là gây bệnh. Trong khi đó, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng không có một loại thực phẩm nào hoàn hảo, mà chính mỗi người cần phải biết cách kết hợp đa dạng và lựa chọn thực phẩm đúng mới là khoa học.
Theo đó, các nhóm thực phẩm cần có tỷ lệ cân đối bao gồm nhóm ngũ cốc (chiếm từ 55 - 67% tổng năng lượng khẩu phần, nên luân phiên thay đổi các loại ngũ cốc khi ăn); nhóm thực phẩm giàu đạm (cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ…); nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật, chất béo từ các loại hạt hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K…); nhóm rau, quả (cung cấp vitamin và khoáng chất) giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh, chống lại bệnh tật. Chế độ ăn uống hợp lý còn cần phải tùy thuộc theo độ tuổi, giới tính, thể chất của từng đối tượng cũng như tình trạng bệnh lý.
“Ăn cân bằng” - hãy lắng nghe cơ thể nói
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau chính là cách đem đến bữa ăn dinh dưỡng hoàn hảo. Kim chỉ nam vẫn luôn là “đầy đủ các nhóm chất; đủ ngũ vị, đủ thực phẩm hàn nhiệt, âm dương” trong mỗi bữa ăn.
Hiểu được bản chất về cân bằng dinh dưỡng, các bà nội trợ dễ dàng tạo ra bữa ăn theo sở thích của gia đình mà vẫn có lợi cho sức khỏe. Chẳng hạn, với trẻ em, cần tăng tỷ lệ chất béo để phát triển não bộ, thì đối với món ăn mà đa số các em hứng thú là mì ăn liền chúng ta có thể kết hợp thêm các thực phẩm khác vào. Cụ thể như: một lát cá hồi áp chảo cùng cải bó xôi xắt nhỏ đảo qua với dầu mè/dầu đậu phộng/dầu ô-liu ăn cùng tô mì chế nước sôi hoặc mì xào. Hoặc cũng có thể ăn mì kèm trứng gà ốp la, tôm hấp với cà rốt, đậu hòa lan, bông cải hấp trộn xốt mayonnaise… Bảo đảm trẻ có đầy đủ dưỡng chất và thưởng thức bữa ăn thật ngon miệng đúng theo sở thích.
Tương tự, những người thuộc nhóm lao động trí óc cần bổ sung thực phẩm nhóm dưỡng chất cho não, gồm: glucose (đường), chất béo thiết yếu (omega-3 và omega-6), a-xít amin, phospholipid, vitamin và khoáng chất. Những chất này có nhiều trong các loại cá, các loại hạt, thịt, trứng, các loại đậu…
Người mắc bệnh tim mạch, mỡ máu, huyết áp, ngoài ăn đầy đủ dưỡng chất, cần ưu tiên chất béo có nguồn gốc từ thực vật; hạn chế chất béo nguồn gốc động vật… Người mắc bệnh đái tháo đường vẫn cần được cung cấp đường trong chế độ ăn uống nhưng là loại đường hấp thu chậm như trong các loại trái cây có độ ngọt vừa. Tuy nhiên vẫn tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người và theo khuyến nghị từ bác sĩ để có một chế độ ăn hợp lý cho cơ thể.
Thực chất, phối hợp các thực phẩm nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cân bằng các yếu tố, tỷ lệ, cân bằng tính hàn - nhiệt chính là mấu chốt của cân bằng dinh dưỡng. Ngoài ra, nên chú ý đến các yếu tố khác trong lối sống như vận động thường xuyên, tránh căng thẳng để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật.
Theo phunuonline.com.vn