Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan, Chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, BV Xanh pôn, Giảng viên Bộ môn Ngoại – ĐH Y Hà Nội: Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến ở cả nam giới và nữ giới, thường được chẩn đoán ở những người trên 50 tuổi, bệnh có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn).

ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan lưu ý: Để phòng và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng cần có lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, dinh dưỡng khoa học. Ngoài ra cần chú ý tăng cường các hoạt động thể lực, rèn luyện thể dục thể thao, tránh để thừa cân và béo phì. Đặc biệt cần có chú ý giảm chất béo trong khẩu phần ăn, nên hạn chế ăn thịt đỏ và thịt qua chế biến, tránh thức ăn có nhiều muối, thức ăn lên men, xông khói. Tăng cường ăn rau xanh và trái cây. Không lạm dụng rượu, bia và các chất kích thích, không hút thuốc lá ...

Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí BMC Medicine, chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, rau và các loại đậu, ít ngũ cốc tinh chế, nước ép trái cây và đường bổ sung có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

1. Ung thư đại trực tràng có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn

Jihye Kim, tác giả của nghiên cứu về chế độ ăn uống dựa trên thực vật có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở nam giới, cho biết: Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên toàn thế giới và nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng trong suốt cuộc đời là 1/23 đối với nam giới và 1/25 đối với nữ giới.

Mặc dù nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng chế độ ăn dựa trên thực vật có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, nhưng tác động của chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm thực vật đối với mối liên hệ này vẫn chưa rõ ràng. Phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy ăn một chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết ở nam giới - Ảnh 2.

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên toàn thế giới.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc đã phát hiện ra rằng, trong số 79.952 đàn ông Mỹ, những người ăn lượng thực phẩm có nguồn gốc thực vật tốt cho sức khỏe trung bình hàng ngày cao nhất có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn 22% so với những người ăn ít nhất lượng thức ăn thực vật lành mạnh.

Tuy nhiên, các tác giả đã không xác định được bất kỳ mối liên quan đáng kể nào giữa chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn dựa trên thực vật và nguy cơ ung thư đại trực tràng trong dân số 93.475 phụ nữ Mỹ.

2. Chế độ ăn thực vật lành mạnh giàu chất chống oxy hóa

Tác giả nghiên cứu Jihye Kim nhận định các chất chống oxy hóa có trong thực phẩm như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể góp phần làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng bằng cách ngăn chặn tình trạng viêm mạn tính, có thể dẫn đến ung thư. Vì nam giới có xu hướng có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn nữ giới, nên nhóm nghiên cứu đề xuất rằng điều này có thể giúp giải thích tại sao ăn nhiều thực phẩm lành mạnh có nguồn gốc thực vật lại liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng ở nam giới chứ không phải ở nữ giới.

Ngoài ra, các tác giả còn phát hiện ra mối liên quan giữa chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn uống dựa trên thực vật và nguy cơ ung thư đại trực tràng ở nam giới khác nhau đối với một số chủng tộc và sắc tộc.

Trong số những người đàn ông Mỹ gốc Nhật, nguy cơ ung thư đại trực tràng thấp hơn 20% đối với những người ăn nhiều thực phẩm thực vật tốt cho sức khỏe mỗi ngày so với những người ăn ít nhất. 

Trong số những người đàn ông da trắng, những người ăn nhiều thực phẩm thực vật tốt cho sức khỏe nhất có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn 24% so với những người ăn ít nhất.

Chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết ở nam giới - Ảnh 4.

Chế độ ăn dựa trên thực vật lành mạnh giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng ở nam giới.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, họ không tính đến tác dụng có lợi mà các loại thực phẩm như cá và sữa có thể có trong việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng trong các phân tích của họ. Ngoài ra, vì chế độ ăn kiêng của những người tham gia được ghi lại khi bắt đầu nghiên cứu nên chúng có thể không đại diện cho chế độ ăn uống suốt đời của họ.

Các tác giả cho rằng cần có nghiên cứu trong tương lai để điều tra các yếu tố di truyền và môi trường có thể ảnh hưởng đến mối liên quan giữa lượng thức ăn có nguồn gốc thực vật và nguy cơ ung thư đại trực tràng giữa các nhóm chủng tộc và dân tộc.

Theo suckhoedoisong.vn