Theo ADA, giảm cân phải là mục tiêu chính đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 2, lặp lại khuyến nghị trước đó. Giảm cân hơn 10% trọng lượng cơ thể có liên quan đến kết quả sức khỏe tốt hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2, bao gồm cả việc thuyên giảm bệnh.

Một phần của hướng dẫn mới, được gọi là Tiêu chuẩn chăm sóc bệnh tiểu đường, bao gồm khuyến nghị cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sử dụng các phép đo khác về phân bổ mỡ trong cơ thể, chẳng hạn như chu vi vòng eo, tỷ lệ vòng eo/hông và/hoặc tỷ lệ vòng eo/chiều cao cùng lúc với BMI (so với hướng dẫn năm 2023, ADA chỉ tập trung vào BMI).

BMI từ lâu đã là thước đo được sử dụng để đánh giá nguy cơ liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2. Điều này là do béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cũng như khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nếu chỉ BMI sẽ không đầy đủ để xác định sức khỏe của một người, vì nó không tính đến thành phần cơ thể, chẳng hạn như khối lượng cơ bắp hoặc nơi tích trữ chất béo trên cơ thể, cũng như sắc tộc, tuổi tác và chủng tộc...

TS. Robert Gabbay, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cho biết: Tỷ lệ vòng eo/hông, cung cấp cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng béo phì ở mỗi cá nhân và có thể hướng dẫn liệu pháp. Chúng tôi biết rằng chu vi vòng eo hoặc tỷ lệ eo/hông cao là một yếu tố rủi ro bổ sung dẫn đến kết quả tồi tệ hơn.

Đái tháo đường type 2: Béo phì tác động nhiều hơn di truyền | VIAM

Chu vi vòng eo hoặc tỷ lệ eo/hông cao là một yếu tố rủi ro bổ sung dẫn đến kết quả tồi tệ hơn.

Các phép đo mới để bổ sung cho BMI ở người bệnh đái tháo đường

ADA khuyến nghị các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên đo chu vi vòng eo, tỷ lệ eo-hông và/hoặc tỷ lệ eo - chiều cao cùng với chỉ số BMI.

- BMI: Là thước đo dựa trên chiều cao và cân nặng, được tính bằng cách chia cân nặng (tính bằng kilôgam) cho bình phương chiều cao tính bằng mét (kg/m2).

Theo TS. Andrew Krafson, phó giáo sư lâm sàng tại Đại học Michigan, chuyên về nội tiết và tiểu đường: BMI rất tiện lợi, nhưng chu vi vòng eo và tỷ lệ vòng eo đến hông cũng sẽ rất hữu ích.

Chu vi vòng eo: Chu vi vòng eo là số đo vòng eo, giúp đo lượng mỡ quanh bụng. Đây là một phép đo hữu ích vì điểm chu vi cân nặng cao hơn, cho thấy mỡ bụng quá mức, có liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2.

CDC cho biết, bạn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì cao hơn nếu bạn là nam giới có chu vi vòng eo trên 101cm hoặc phụ nữ có chu vi vòng eo lớn hơn 88cm.

Tỷ lệ eo-hông: Đây là một cách khác để đánh giá tình trạng béo bụng (có thể là dấu hiệu dự báo bệnh đái tháo đường type 2). Số đo này được tính bằng cách đo cả vòng eo và vòng hông, sau đó chia số đo vòng eo cho số đo vòng hông. Tỷ lệ eo/hông lý tưởng đối với phụ nữ phải nhỏ hơn 0,85 và của nam giới phải nhỏ hơn 0,9.

Tỷ lệ vòng eo trên chiều cao: Tương tự như vậy, tỷ lệ vòng eo trên chiều cao cao hơn có thể là yếu tố dự báo bệnh béo phì và/hoặc bệnh đái tháo đường type 2. Tỷ lệ vòng eo trên chiều cao của một người có thể được tính bằng cách chia chu vi vòng eo cho chiều cao của họ. Theo nghiên cứu được công bố trên Plos One, tỷ lệ vòng eo trên chiều cao lớn hơn 0,53 ở nam và 0,54 ở nữ có liên quan đến béo phì và bệnh tật.

Tuy nhiên theo TS. Andrew Krafson, có một số do dự trong việc sử dụng các phép đo bổ sung ngoài BMI trong môi trường lâm sàng. Ông cho biết các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần được đào tạo về cách thực hiện các phép đo như vậy một cách chính xác và bệnh nhân có thể cảm thấy không thoải mái khi phải vén áo hoặc hạ quần để thực hiện. Đây là những rào cản nhỏ nhưng quan trọng.

Các phương pháp giảm cân được ADA khuyến nghị

Một khuyến nghị quan trọng khác từ ADA: Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 bị thừa cân hoặc béo phì, việc kiểm soát cân nặng và kiểm soát đường huyết phải là mục tiêu chính.

Trong khuyến nghị của mình, ADA chỉ ra rằng giảm 10% trọng lượng cơ thể trở lên có liên quan đến những lợi ích sức khỏe tích cực, bao gồm khả năng thuyên giảm bệnh đái tháo đường type 2, cải thiện kết quả và tỷ lệ tử vong về tim mạch lâu dài.

Khi nói đến các biện pháp can thiệp hoặc công cụ giảm cân, ADA khuyến nghị theo thứ tự sau:

  • Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và liệu pháp hành vi
  • Dược lý
  • Các thiết bị y tế
  • Phẫu thuật chuyển hóa

"Thay đổi lối sống là liệu pháp chính bằng dinh dưỡng và tập thể dục hiệu quả. Tuy nhiên, nếu những cách này không hiệu quả, người ta phải xem xét các loại thuốc như semaglutide hoặc tirzepatide. Phẫu thuật chuyển hóa là một lựa chọn khác khi không đạt được mục tiêu về cân nặng", Gabbay cho biết.

- Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và trị liệu hành vi: Phần này bao gồm các biện pháp can thiệp như tư vấn sức khỏe thường xuyên, tập trung vào các chiến lược dinh dưỡng, tập thể dục và hành vi nhằm giúp mọi người đốt cháy thêm 500 đến 750 calo mỗi ngày.

- Khuyến nghị về dược lý: ADA cho biết nên giảm thiểu các loại thuốc điều trị bệnh đi kèm liên quan đến tăng cân bất cứ khi nào có thể. Đối với những người thừa cân hoặc béo phì và mắc bệnh đái tháo đường type 2, nên cân nhắc dùng thuốc thúc đẩy giảm cân cùng với việc thay đổi lối sống.

Thuốc được ưu tiên là chất chủ vận thụ thể peptide 1 giống glucagon (GLP-1) như ozempic (semaglutide) hoặc chất chủ vận polypeptide insulinotropic (GIP) phụ thuộc glucose kép và chất chủ vận GLP-1 như mounjaro (tirzepatide).

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% số người thành công trong việc giảm 10% trọng lượng cơ thể và duy trì mức đó trong một năm chỉ bằng cách quản lý lối sống. Khi các loại thuốc giảm cân và tiểu đường này phát triển, chúng hiệu quả hơn rất nhiều và thực sự thì việc giảm cân như vậy trở nên dễ dàng hơn, TS. John Buse nhà nội tiết học và giáo sư tại Đại học North chia sẻ.

- Thiết bị y tế: ADA thừa nhận rằng các thiết bị thắt dạ dày đã không còn được ưa chuộng do hiệu quả lâu dài hạn chế và tỷ lệ biến chứng cao.

- Phẫu thuật chuyển hoá: ADA cho biết, phẫu thuật giảm cân có thể được xem xét đối với những người mắc bệnh đái tháo đường có chỉ số BMI lớn hơn 30, như một cách để quản lý cân nặng và lượng đường trong máu. Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng phải được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm dày dặn trong việc quản lý bệnh béo phì, tiểu đường và phẫu thuật đường tiêu hóa.

"Những hướng dẫn của ADA tập trung vào việc giảm cân và quản lý cân nặng vì có thể cải thiện kết quả sức khỏe của những người mắc bệnh béo phì và đái tháo đường type 2. Bằng cách tập trung vào việc giảm cân, về cơ bản chúng tôi đang giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bệnh đái tháo đường type 2, thay vì cung cấp cho ai đó thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, thuốc điều trị huyết áp và thuốc bổ sung giảm cholesterol của người bệnh", TS. John Buse cho biết.

BMI là một công cụ hữu ích nhưng chưa hoàn chỉnh để đánh giá nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 hoặc quản lý sự tiến triển của bệnh. Các yếu tố khác, chẳng hạn như chu vi vòng eo và tỷ lệ eo/hông, cũng là những phép đo quan trọng. Ngoài ra, giảm cân phải là mục tiêu hàng đầu của những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 và béo phì nhằm cải thiện kết quả sức khỏe. 

Theo suckhoedoisong.vn