|
|
Việc ăn hải sản sống cùng nước cốt chanh, hay là mù tạt phần lớn là để tăng hương vị món ăn, mọi người không nên kỳ vọng vào việc chúng có thể diệt được hết vi khuẩn. |
Có một kiểu ăn hải sản dễ gây nhiễm sán, ngộ độc
Hải sản là nguồn thực phẩm không chỉ thơm ngon mà còn cực kỳ giàu dinh dưỡng. Thay vì hấp, luộc, nướng... nhiều người thích ăn hải sản sống để thưởng thức trọn vẹn sự tươi mát của chúng. Đặc biệt khi ăn các loại hải sản sống như hàu, cá hồi sống... nhiều người thường thích vắt vài giọt chanh. Họ tin tưởng rằng làm cách này thì vi khuẩn, sán sẽ chết hết, và có thể yên tâm ăn chúng.
Tuy nhiên, quan điểm này được chuyên gia công nghệ thực phẩm PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) đánh giá là: Sai hoàn toàn.
"Dù chanh có đặc tính kháng khuẩn nhờ hàm lượng axit citric, tuy nhiên nó chỉ có tác dụng một phần nhỏ. Cùng lắm thì chỉ có thể diệt được một số ít vi khuẩn chứ không thể nào diệt được ký sinh trùng giun tròn, sán dây, sán lá gan... như nhiều người lầm tưởng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Ông Thịnh nói thêm, việc ăn hải sản sống cùng nước cốt chanh, hay là mù tạt phần lớn là để tăng hương vị món ăn, mọi người không nên kỳ vọng vào việc chúng có thể diệt được hết vi khuẩn trong đồ sống. Một số loại hải sản như ốc móng tay, tu hài, ngao hến… đều là những loại sống vùng đáy, ăn bùn, tảo và phù du, rất dễ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, trong đó có thể là cả sán vì vậy mọi người nên tránh ăn sống.
Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có thói quen ăn hải sản tươi sống... Tuy nhiên theo vị PGS.TS ở các nước này khí hậu lạnh hơn, vi khuẩn không sinh sôi nhiều như Việt Nam. Hơn nữa, thực phẩm dùng để ăn sống như cá hồi, cá ngừ… ở các nước này trước khi được ăn sống đã trải qua quá trình kiểm định, sơ chế vô cùng kỹ lưỡng. Do đó, việc ăn đồ sống sẽ đảm bảo hơn ở đất nước chúng ta.
Ăn hải sản thế nào để hấp thụ trọn vẹn dinh dưỡng?
So với thói quen ăn hải sản tươi sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh vẫn khuyến khích việc tiêu thụ hải sản đã chín kỹ bằng cách hấp, luộc hơn. Chuyên gia khuyên mọi người, chỉ ăn tái sống khi đã đảm bảo được nguồn gốc và chất lượng an toàn của thực phẩm. Những người có hệ miễn dịch bị tổn thương, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ có thai đều không nên ăn đồ sống.
Hải sản tốt nhất chỉ nên ăn khoảng 2 bữa/tuần, không nên ăn quá nhiều vì dễ dẫn đến dư thừa năng lượng.
|
|
So với thói quen ăn hải sản tươi sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh vẫn khuyến khích việc tiêu thụ hải sản đã chín kỹ bằng cách hấp, luộc hơn. |
Hải sản vốn dĩ đã có sẵn tính hàn, do đó khi ăn tốt nhất nên tránh ăn kèm với những thực phẩm mang tính hàn khác như: rau muống, dưa chuột, dưa hấu, lê, những đồ uống có gas, nước lạnh… vì dễ gây cảm giác khó chịu, đầy bụng, khó tiêu.
Những người bị bệnh gout hay viêm khớp cần hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng hải sản có thể tiêu thụ. Những người bị dị ứng nên hạn chế ăn loại thực phẩm này.
Đậu Đậu