Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân
Bệnh nhân là chị Đ.T.A ở Nam Từ Liêm Hà Nội vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng bụng chướng căng, sốt 39 độ, đi ngoài phân lỏng, không có phản ứng phúc mạc, không có điểm đau khu trú.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó, ngày 24/10/2018 bệnh nhân sinh non tại nhà khi mới 32 tuần. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiểm khuẩn sau sinh.
Sau khi thăm khám, hình ảnh siêu âm cho thấy dịch khu trú ổ bụng chưa loại trừ khối kích thước 198 x 130mm. Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy vùng hạ vị xuất hiện khối kích thước 17,5 x 23,6 x 24,1cm tỷ trọng dịch đặc trong có dịch khí với thành mỏng, khối choán chỗ trong tiểu khung và ổ bụng. Sau hội chẩn bệnh viện Ths.BSCK2. Đỗ Khắc Huỳnh chỉ định mổ lấy khối dịch.
ThS.BS. Lê Thế Vũ, Trưởng khoa C3, - người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho biết: các bác sĩ đã mở thông lấy 6 lít dịch mủ ra khỏi ổ bụng bệnh nhân.
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, nhiễm khuẩn sau sinh là một trong những tai biến sản khoa thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mẹ trong các tai biến sản khoa.
Tùy theo vị trí cư trú của vi khuẩn gây bệnh, chúng ta có thể gặp các hình thái nhiễm khuẩn sau:
Nhiễm khuẩn ở vùng tầng sinh môn, âm hộ làm cho vùng này phù nề, sưng to, vết khâu tầng sinh môn có mủ.
Nhiễm khuẩn ở âm đạo, cổ tử cung làm cho sản phụ ra rất nhiều dịch có mùi hôi, khi thăm khám sản phụ rất đau đớn.
Nhiễm khuẩn ở tử cung tuy gặp ít nhưng nặng hơn, sản phụ ra nhiều dịch có mùi hôi thối, có khi ra máu, khi khám tử cung rất đau mỗi khi đụng tới.
Nhiễm khuẩn phần phụ (vòi trứng, buồng trứng, các dây chằng) diễn biến thường kéo dài, dễ thành mạn tính nếu không điều trị đến nơi đến chốn.
Viêm phúc mạc tiểu khung và viêm phúc mạc toàn bộ nếu vi khuẩn từ bộ máy sinh dục xâm nhập tiểu khung và ổ bụng. Đây là hình thái rất nguy hiểm, phải mổ dẫn lưu mủ, dễ để lại di chứng sau mổ.
Viêm tắc tĩnh mạch tiểu khung hay tĩnh mạch chi dưới làm cho chân bị phù to, nóng và đau. Hình thái này có thể gây tử vong đột ngột nếu cục máu đông di chuyển lên tim gây nhồi máu cơ tim, lên não gây nhồi máu não, đến phổi gây tắc mạch phổi.., do đó phải sớm cố định và băng ép chi bị viêm tắc.
Ngoài ra, vi khuẩn có thể từ cơ quan sinh dục đi thẳng vào máu gây nhiễm khuẩn huyết - một hình thái nặng khó điều trị, tử vong rất cao.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn sau sinh, sản phụ cần lưu ý:
- Khi thấy bất cứ triệu chứng: sốt, ra máu hay ra sản dịch nhiều có mùi hôi các mẹ nên đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nặng gây nên rủi ro đáng tiếc.
- Chăm sóc vùng kín trước khi sinh: Khi mang bầu các mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ đặc biệt là những ngày gần sinh con. Mẹ nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, tránh thụt rửa âm đạo.
- Sản phụ kiêng quan hệ tình dục sau sinh do sức khỏe của sản phụ chưa phục hồi.
- Thay quần lót thường xuyên để giữ vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng.
- Dùng băng gạc vô trùng để thấm dịch chảy ra từ âm đạo, giữ cho vùng kín luôn khô ráo. Không nên dùng các loại giấy hoặc khăn ướt có mùi thơm để lau vùng kín.
- Sau khi sinh khoảng 2 tuần, sản phụ nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám lại để chắc chắn đã hồi phục sức khỏe, phát hiện những biến chứng nếu có và kịp thời điều trị.
THeo Sức khỏe và đời sống